Cận cảnh "Pháo đài bay" B-52 nằm dưới lòng hồ Hữu Tiệp nửa thế kỷ ở Hà Nội
Cận cảnh "Pháo đài bay" B-52 nằm dưới lòng hồ Hữu Tiệp nửa thế kỷ ở Hà Nội
Nhật Minh
Thứ ba, ngày 13/12/2022 07:19 AM (GMT+7)
Trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 50 năm về trước, một máy bay B-52 của Mỹ đã bị quân ta bắn hạ vào đêm 27/12/1972. Một phần xác máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, nay thuộc tổ dân phố số 8, phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội).
Cận cảnh "Pháo đài bay" B-52 nằm dưới lòng hồ Hữu Tiệp nửa thế kỷ ở Hà Nội
Đơn vị bắn chiếc B-52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà là Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 thuộc Đoàn Phòng không Hải Phòng. Ngày 22/12/1972, Tiểu đoàn 72 đang chiến đấu bảo vệ Hải Phòng thì nhận được lệnh lên tăng cường cho Hà Nội.
Sau khi bị tên lửa bắn trúng, chiếc B-52 đã nổ tung thành nhiều mảnh rơi xuống làng hoa Ngọc Hà. Phần lớn thân và cánh máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp.
Còn một phần của chiếc máy bay này rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám, gần vườn Bách Thảo. Những ngày cuối năm 1972, số người tập trung quanh hồ Hữu Tiệp xem xác B-52 rất đông.
Nhưng ít người biết rằng, ngoài hai địa điểm rơi là hồ Hữu Tiệp và đường Hoàng Hoa Thám, còn phần động cơ của chiếc máy bay B-52 lại rơi xuống một khu vườn của nhà bà Nguyễn Thị Nề ở tổ 51, phường Ngọc Hà. Vì ở vị trí tương đối kín đáo nên hai chiếc động cơ này dường như bị lãng quên.
Về phần tổ lái chiếc B-52 bị bắn rơi ngày 27/12/1972 xuống Ngọc Hà, theo tài liệu trao trả tù binh ngày 18/2/1973 tại sân bay Gia Lâm giữa ta và Mỹ, gồm 6 phi công. 4 phi công bị bắt sống, 2 phi công đã chết.
Thân vỏ máy bay gần 50 năm nằm trong lòng hồ, không có dấu hiệu bị hoen gỉ. Đặc biệt, đây là chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ khi chưa kịp thả bom.
Địa điểm máy bay rơi hiện được công nhận là di tích lịch sử, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Vào tháng 4/2021, do hồ Hữu Tiệp bị ô nhiễm nặng, một dự án cải tạo, nâng cấp hồ đã được thực hiện. Để thực hiện dự án tu sửa hồ Hữu Tiệp và bảo dưỡng thân máy bay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã lưu ý các đơn vị thi công thực hiện thận trọng việc rà phá bom mìn, kết hợp nghiên cứu khảo sát theo phương pháp khảo cổ học. Từ đó, chủ động đề xuất giải pháp xử lý trong trường hợp phát hiện các mảnh vỡ khác của máy bay trong lòng hồ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.