Cần có cơ quan định giá đất độc lập

Thứ hai, ngày 03/06/2013 06:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang chia sẻ: “Cái này là rất đúng. Theo quan điểm của tôi, không thể để tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong định giá đất như bây giờ”.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên NTNN bên hành lang kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII về ý kiến cần có một cơ quan định giá đất độc lập, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang (ảnh) chia sẻ: “Cái này là rất đúng. Theo quan điểm của tôi, không thể để tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong định giá đất như bây giờ”.

Thưa Bộ trưởng, sau đợt lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban soạn thảo đã tiếp thu việc không thu hồi đất các dự án kinh tế xã hội chung chung như trước, mà hạn định rõ hơn các dự án kinh tế xã hội có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và có quy định cụ thể. Tuy nhiên, vì sao đề xuất: Bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất và chuyển sang thực hiện cơ chế “trưng mua” Ban soạn thảo chưa tiếp thu, dù đã có tới 798.002 ý kiến đề nghị, thưa Bộ trưởng?

- Luật Đất đai là đạo luật quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, yêu cầu của việc sửa đổi là phải giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay, đặc biệt là trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giá đất; đồng thời phải giải quyết được những phát sinh trong thực tiễn.

Về nội dung anh hỏi, cái này liên quan trực tiếp tới Hiến pháp, vì theo Hiến pháp quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Thế nào là trưng mua, thế nào là trưng thu, thu hồi, trường hợp nào phải thực hiện các hình thức này thì vẫn phải chờ đợi, phụ thuộc vào việc sửa đổi Hiến pháp.

img
 

Nhưng theo chương trình dự kiến thì Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, trong khi đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ phải chờ tới kỳ họp sau mới thông qua, thưa Bộ trưởng?

- Nhìn chung là như thế! Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ chuẩn bị, xây dựng trong một thời gian dài, kỳ họp trước đã được đưa ra lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo như thông lệ, đến kỳ này Quốc hội sẽ thông qua dự thảo luật này cũng là điều đương nhiên.

Còn nếu như Quốc hội kỳ này không thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì sẽ phải ra một nghị quyết mới về kéo dài thời hạn sử dụng đất, bởi đến ngày 15.10, theo Luật Đất đai năm 2003 (Điều 67) là hết hạn 20 năm giao đất, cho thuê đất (tính từ ngày 15.10.1993 - PV).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh hưởng tới một bộ phận lớn nhân dân. Nếu như để càng lâu (Quốc hội chưa thông qua) càng dễ nảy sinh bức xúc, mâu thuẫn của người dân trong các vấn đề liên quan tới đất đai.

Vì sao với nội dung thu hồi đất cho các dự án kinh tế, sau khi đã tiếp thu ý kiến nhân dân, dự thảo luật vẫn chưa quy định rõ ràng, rành mạch, thưa ông?

- Trong dự thảo luật, ở nội dung thu hồi đất cho những công trình phục vụ kinh tế - xã hội, luật chủ yếu nhấn mạnh đến những công trình phục vụ lợi ích công cộng. Còn những dự án mang mục đích kinh tế nhỏ lẻ thì chúng ta có thể sắp xếp cho vào khu công nghiệp vì giờ các khu công nghiệp còn chưa lấp đầy.

Hai là có thể cho các chủ đầu tư tham gia đấu giá đất hoặc thỏa thuận với người dân. Như vậy, dự thảo luật cho phép có thể hoàn toàn linh hoạt trong việc áp dụng; chỉ áp dụng cứng đối với việc thu hồi đất cho những dự án chỉ phục vụ cho lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia mà thôi.

Vấn đề quan trọng nhất là sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành, người ta không thể thu hồi đất tùy tiện như trước đây được nữa.

Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến góp ý nên hình thành cơ quan định giá đất độc lập đối với cơ quan quản lý đất đai và cơ quan định giá này thuộc Trung ương. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Cái này là rất đúng, theo quan điểm của tôi không thể để tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong định giá đất như bây giờ. Việc này chúng ta tiếp thu và quy định như thế là hợp lý.

Cũng theo thống kê, có hơn 14.000 ý kiến góp ý nên cho phép “Công dân thực hiện quyền giám sát (tự mình hoặc thông qua cơ quan đại diện)” nhưng dường như chưa được Ban soạn thảo tiếp thu, trong khi dự thảo luật vẫn quy định quyền của cơ quan quản lý rất lớn?

- Không, tôi xin khẳng định là nội dung này đã được Ban soạn thảo tiếp thu, thể hiện trong phần quyền giám sát của người dân và cơ quan tổ chức. Việc giám sát này phải theo các quy định cụ thể của pháp luật với mục đích công khai, minh bạch tất cả những vấn đề pháp luật liên quan tới đất đai.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem