Cần có giải pháp "kinh doanh an toàn" để cứu DN trong giai đoạn cách ly xã hội

Quang Dân Thứ năm, ngày 16/04/2020 06:30 AM (GMT+7)
Theo Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, nếu dịch Covid-19 kéo dài và chúng ta không có định hướng rõ ràng về việc kinh doanh an toàn hay cách ly theo vùng thì các doanh nghiệp phá sản sẽ tăng lên hơn 50% trong thời gian tới.
Bình luận 0

Chiều nay, 15/4, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia về việc tiếp tục cách ly xã hội đối với 12 tỉnh, thành có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 ít nhất đến ngày 22/4.

Liên quan đến vấn đề này, Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội về tác động của cách ly xã hội với doanh nghiệp.

Thưa ông, việc Chính phủ quyết định Hà Nội và 11 tỉnh thành khác tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến ngày 22/4, sẽ có tác động thế nào đến doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại?

- Khi dịch Covid-19 bùng phát ở các nước trên thế giới cũng như Việt Nam thì các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều ảnh hưởng. Hoạt động ở đây bao gồm sản xuất và kinh doanh, luân chuyển sản phẩm ra thị trường.

Ở giai đoạn 1, dịch mới bùng phát ở Trung Quốc và một số quốc gia khác với tốc độ lây lan nhanh và bất ngờ bất ngờ, khiến nhiều doanh nghiệp không chủ động được nguyên liệu để sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, tại thời điểm này thị trường vẫn đang mở cửa, doanh nghiệp không đủ hàng để cung cho bên đặt hàng, nhiều công ty đã bắt đầu bị hụt hơi về doanh thu, nguồn vốn.

Tiếp đó, khi vấn đề về nguyên liệu được giải quyết, các công ty tiến hành nhập về để sản xuất thì dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới. Những thị trường quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… tạm dừng đơn hàng cũ và hủy đơn hàng mới. Trong khi thị trường trong nước bị đóng băng bởi lệnh cách ly xã hội, dẫn đến sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp bị tồn kho, thậm chí tồn kho rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của doanh nghiệp.

img

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội.

Vậy sẽ có những kịch bản nào xảy ra cho các doanh nghiệp trong thời gian tiến hành cách ly xã hội, và liệu doanh nghiệp có đủ sức để vượt qua giai đoạn này, thưa ông?

- Tôi cho rằng, sẽ có rất ít doanh nghiệp đủ lực để có thể trụ vững được nếu thị trường tiếp tục đóng băng. Sức khỏe của doanh nghiệp căn cứ vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố về mặt thị trường vô cùng quan trọng. Sản phẩm tồn kho là tiền, cách ly xã hội đồng nghĩa doanh nghiệp không đưa được sản phẩm ra thị trường; sức mua của người dân giảm; bộ phận bán hàng không bán sản phẩm; không có dòng tiền quay về để có thể trả chi phí vận hành, chi phí đầu tư, chi phí tiền lãi..

Theo khảo sát của hiệp hội, hiện nay có đến 30% doanh nghiệp đã phá sản. Quyết định cách ly thêm một tuần khiến đầu ra cho các doanh nghiệp là vô cùng hạn chế. Cứ thêm một ngày bị đóng cửa, là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phá sản. Nếu chúng ta kéo dài thời gian và không có định hướng rõ ràng về việc kinh doanh an toàn hay cách ly theo vùng thì các doanh nghiệp phá sản sẽ tăng lên hơn 50% trong thời gian tới.

Ông có thể giải thích thêm về khái niệm "kinh doanh an toàn" để đối phó với dịch bệnh  cụ thể là chúng ta nên giải quyết ra sao?

- Hiện nay, các nước trên thế giới đều đưa ra các mô hình, các giải pháp hết sức cụ thể và chi tiết để đối phó với đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất hiện khái niệm mới, kinh doanh an toàn.

Thứ nhất là tất cả cá nhân, tổ chức, đơn vị kể cả không kinh doanh cũng như kinh doanh đều phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn với xã hội. Có nghĩa là phải đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn, khai báo y tế, giữ khoảng cách... Theo tôi, hiện nay nó đã thành thói quen của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, nơi tập trung đông người, có tần suất qua lại nhiều.

Thứ hai, kinh doanh an toàn dựa trên góc độ phân ra các vùng, các tỉnh. Hiện nay có hơn 20 tỉnh có ca dương tính, còn lại khoảng 40 tỉnh vẫn chưa có ca nhiễm. Những tỉnh chưa có ca nhiễm nên để các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Còn tỉnh có các ca dương tính thì kiểm soát chặt chẽ, việc luân chuyển sản phẩm do các đơn vị được cấp phép thực hiện. Mỗi tỉnh là một quốc gia thu nhỏ, từ đó, có những đối sách liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được hoạt động, chứ không nên ngăn sông, cấm chợ.

Kinh doanh an toàn đồng nghĩa với sống chung với dịch. Trường hợp dịch kéo dài, người dân, doanh nghiệp cần đủ sức tạo hậu phương vững chắc cho tuyến đầu chống dịch. Nhiệm vụ chống dịch và chống suy thoái kinh tế cần song song với nhau. Vậy nên, cần có một ban chỉ đạo riêng để giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế tương tự như Ban chỉ đạo chống dịch nhằm đưa ra giải pháp chống suy thoái kinh tế.

Dân số chúng ta hiện nay khoảng 100 triệu người, việc chính phủ ra các cấp độ theo thực tế sẽ giúp kiểm soát được bệnh dịch, từ đó nới lỏng lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh để kích cầu, tạo ra các nguồn thu từ đi lại, mua bán, vận hành sản xuất.

Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp không, thưa ông?

- Việt Nam có 100 triệu dân, nền tảng trẻ với hơn 80% người dân biết sử dụng smatphone. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp tận dụng kinh doanh số. Người làm chủ cần tiếp cận phương thức buôn bán trên nền tảng online. Đặc biệt với những doanh nghiệp có sản phẩm buôn bán đặc thù, phải kết hợp với những đơn vị đang phân phối nền tảng này để tạo ra nguồn thu giúp qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Bên cạnh đó, các công ty nên liên kết với nhau để không thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, tạo đà cho phát triển. Chủ động hợp tác để chia sẻ thông tin, chia sẻ cơ hội, giải bài toán đầu ra, đầu vào, tìm các bạn hàng sản xuất để cung ứng ra thị trường.

Người sản xuất có nguyên liệu cung cấp cho bên kinh doanh, bên kinh doanh có sản phẩm để đưa đến tay người tiêu dùng, đôi bên cùng có lợi, cùng chấp nhận giảm giá để hỗ trợ nhau qua đại dịch Covid-19.

Đồng thời, người đứng đầu phải cơ cấu lại doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ nhằm kiểm soát và điều hành doanh nghiệp hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư vào quản trị tài chính, giúp nâng cao quy mô, năng lực sản xuất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tiếp cận thêm các thị trường mới, mở rộng đối tượng khách hàng để phục vụ đa mục tiêu. Và quan trọng hơn, nên trích ra khoảng 5% lợi nhuận để lập một quỹ rủi ro, phòng khi dịch bệnh, tai họa diễn ra bất ngờ chúng ta có vốn để ứng biến, vượt qua khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem