Ngân hàng "chạy đua" xác thực sinh trắc học trước "giờ G"

L. Anh Thứ bảy, ngày 28/12/2024 08:05 AM (GMT+7)
Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện một số giao dịch điện tử như chuyển khoản, thanh toán thẻ online,...
Bình luận 0

Ngân hàng chạy đua xác thực sinh trắc học

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, trong tuần qua, tại các điểm giao dịch ngân hàng tiếp nhận lượng khách hàng tăng cao so với mọi năm, chủ yếu là chủ tài khoản đem theo căn cước công dân gắn chip, để được hỗ trợ định danh bằng máy đọc NFC tại quầy.

Ông Hòa (Hà Nội) cho biết, ông thực hiện xác thực sinh trắc học các bước như chụp ảnh mặt trước, mặt sau và tiến hành quét mã QR trên căn cước công dân, khuôn mặt khá nhanh và đơn giản. Nhưng ở bước xác thực cuối cùng và quan trọng nhất là quét dữ liệu thông qua công nghệ NFC lại khiến ông gặp khó khăn do điện thoại ông không hỗ trợ NFC.

"Phần lớn, khách hàng sẽ tự xác thực sinh trắc học tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có một số khách hàng gặp khó khăn do sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, người cao tuổi ít tiếp cận công nghệ", chị M. Chi, nhân viên một chi nhánh ngân hàng trên quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Đại diện nhiều ngân hàng cho biết, tỷ lệ khách hàng hoàn tất xác thực sinh trắc học đã lên tới 85 - 90%. Các điểm giao dịch hoạt động thêm cả buổi tối, cuối tuần nhằm phục vụ khách hàng, thực hiện mục tiêu 100% khách hàng hoạt động trên kênh số tiến hành xác thực sinh trắc học trước 1/1/2025.

Ngân hàng "chạy đua" xác thực sinh trắc học trước "giờ G" - Ảnh 1.

Chủ tài khoản đến xác thực sinh trắc học tại Ngân hàng Vietcombank.

Tại Ngân hàng SHB, ông Chu Lâm Thái, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học đạt khoảng 90% so với tổng số khách hàng cần thực hiện giao dịch, cho thấy sự quan tâm tích cực của khách hàng trong việc áp dụng và tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Chia sẻ về kết quả này, ông Thái cho biết, SHB đã thành lập tổ dự án 2345 thực hiện đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp giải pháp sinh trắc học một cách kỹ lưỡng và thực hiện thiết kế kiến trúc tổng thể trên tất cả các lớp ứng dụng, hệ thống liên quan, tránh bỏ sót.

"SHB đặt mục tiêu đến trước ngày 1/1/2025 tất cả các khách hàng trên kênh online đều được cập nhật sinh trắc học để không ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng. Tôi tin mục tiêu này có thể đạt được với tất cả sự nỗ lực của ngân hàng và hợp tác của khách hàng", ông Thái chia sẻ.

Ngân hàng "chạy đua" xác thực sinh trắc học trước "giờ G" - Ảnh 2.

Ngân hàng chạy đua xác thực sinh trắc học trước giờ "G".

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương – Phó Tổng Giám đốc ABBANK nhấn mạnh, việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học là một quy định quan trọng nhằm tăng cường bảo mật, đảm bảo an toàn cho khách hàng trong các giao dịch tài chính, đồng thời tránh rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng.

Theo quy định tại các Thông tư số 17/2024/TT-NHNN, số 18/2024/TT-NHNN và số 40/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng, ví điện tử chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học trước mốc 1/1/2025 thì từ ngày này sẽ phải tạm dừng giao dịch trực tuyến.

Bên cạnh đó, đối với các giao dịch thẻ như quẹt POS, rút tiền, mở thẻ hoặc mở tài khoản trực tuyến, nạp ví điện tử từ thẻ khách hàng cũng không thể thực hiện nếu thông tin sinh trắc học chưa được cập nhật đầy đủ.

Hoàn thành việc định danh, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Công điện số 139/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

Theo công điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình phối hợp liên ngành để xử lý nhanh, kịp thời các vụ, việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài khoản thanh toán, ví điện tử có nghi vấn liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật để kịp thời cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản (Hoàn thành trong quý I năm 2025).

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới, hướng dẫn Nhân dân cách thức nhận diện, kỹ năng phòng ngừa lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại điện tử.

Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) công bố với sự tham gia của hơn 59.000 người dùng cá nhân từ ngày 28/11đến 4/12: Cứ 220 người dùng smartphone thì một người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, chiếm 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính 18.900 tỷ đồng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch Mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để xử lý các hành vi cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoạt động vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ban hành quy trình rà soát, nhận diện, giám sát tài khoản doanh nghiệp, các giao dịch nghi vấn sử dụng hoạt động phạm tội (Hoàn thành trong quý I năm 2025).

Đồng thời, chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch. Nâng cao hiệu quả phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong công tác xác minh, phong tỏa tài khoản, tạm dừng giao dịch để kịp thời ngăn chặn việc rút, chuyển tiền có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chủ động phát hiện, trao đổi, cung cấp cho cơ quan Công an thông tin về tài khoản thanh toán, ví điện tử có giao dịch nghi vấn liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, áp dụng kiểm tra, đối chiếu xác thực sinh trắc học người đại diện hợp pháp đối với các giao dịch Internet Banking của tài khoản doanh nghiệp; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để phát hiện, phân loại, cảnh báo các tài khoản có giao dịch bằng địa chỉ IP tại nước ngoài. Đẩy mạnh việc kiểm soát giao dịch liên quan đến tiền "ảo"; hoàn thiện các quy trình quản lý nội bộ nhằm phòng ngừa nhân viên ngân hàng tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo (Hoàn thành trong quý I năm 2025).

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động cho vay, thanh toán, rút tiền, chuyển tiền, nhận tiền; tăng cường tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với khách hàng.

Trước câu hỏi của nhiều người về việc: Tại sao Ngân hàng Nhà nước không thực hiện xác thực sinh trắc học từ 3 năm trước, mà đến nay mới triển khai thực hiện?.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng trả lời: "3 năm trước muốn làm, có tiền cũng không thể làm được. Để có thể triển khai xác thực sinh trắc học như hiện nay là nỗ lực rất lớn không chỉ từ Ngân hàng Nhà nước mà còn từ cả Bộ Công an khi triển khai hệ thống căn cước công dân gắn chip".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem