Đầu tư càng nhiều càng thua lỗ
Theo PGS.TS Lê Xuân Bá-Viện trưởng CIEM, hiện nay số DNNN của ta không còn nhiều như trước, khoảng trên dưới 1.500 DN. Tuy nhiên, các DN này lại đang nắm một lượng tài sản khổng lồ, lớn hơn bất cứ một DN nào khác nên có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế.
|
Công nhân đóng tàu tại Công ty Phà Rừng - thuộc Tập đoàn Vinashin. |
Mặt khác, qua các nghiên cứu, tổng kết của cả các cơ quan Chính phủ lẫn các chuyên gia kinh tế đều cho thấy, khu vực DNNN của VN hiện hoạt động không hiệu quả. TS Đặng Đức Đạm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh nêu một thực tế: DNNN của ta càng đầu tư nhiều thì hiệu quả đầu tư càng giảm.
Dẫn một báo cáo giám sát của Quốc hội tháng 11-2009, ông Đạm cho biết, trong năm 2008, có tới 56/91 tập đoàn, tổng công ty có hệ số vốn đầu tư so với kết quả đầu ra dưới 15%, tức là thậm chí còn thấp hơn mặt bằng lãi suất trong năm 2008 (là năm có CPI trung bình lên tới 20%). "Điều này có nghĩa, nếu áp dụng các phương pháp kế toán đúng đắn thì hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ thua lỗ"- ông Đạm nói.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN-Văn phòng Chính phủ cũng nêu lên thực trạng của hoạt động quản lý nhà nước đối với các DNNN. Đó là còn mang tính chất "tình thế", "khi xảy ra hiện tượng hay vụ việc xấu nào đó chúng ta mới thành lập các hội đồng tổ chức này nọ để giải quyết. Cách làm này không mang tính bền vững của quản lý nhà nước đối với DN" - ông Nghĩa nói.
Phải quản lý độc lập
Tôi cho mô hình SCIC (Tổng Công ty quản lý vốn Nhà nước tại DN) phải xem xét lại khi cải cách DNNN. Bởi không thể ra đời một DN mà chỉ để quản lý vốn và quản lý vốn của trên 3.000 DNNN là hết sức vô lý...
Ông Phan Đăng Tuất-Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương)
Theo TS Đặng Đức Đạm, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN tới đây cần tập trung vào nâng cao năng suất chứ không phải tăng lợi nhuận ngắn hạn.
Các DNNN cần phải chịu các áp lực cạnh tranh giống như các thành phần kinh tế khác trên mọi khía cạnh và các thị trường, kể cả vốn và phải chịu sự điều chỉnh của quy luật và kỷ luật thị trường.
Việc cấp thiết làm ngay là phải áp dụng chuẩn mực về quản trị DN hiện đại, đặc biệt là những chuẩn mực về công bố và minh bạch thông tin, quản lý rủi ro và bổ nhiệm lãnh đạo DN. Lãnh đạo DNNN phải chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động của DN.
Tất cả các ưu đãi và trợ cấp phi thị trường dành cho các DNNN cần phải dỡ bỏ và cần hạn chế việc mở rộng đầu tư dàn trải của các DNNN sang các lĩnh vực không phải thế mạnh cốt lõi.
Theo ông Đạm, cũng không nên giao bộ, UBND cấp tỉnh trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN mà nên thành lập một cơ quan nhà nước chuyên trách giám sát và quản lý vốn tại DN.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.