Sáng nay 27.10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Phiên họp diễn ra dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ưu tiên kiềm chế lạm phát, chấp nhận giảm tăng trưởng
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình) cho rằng những năm gần đây, kinh tế nước ta luôn lặp lại chu kỳ lạm phát, suy giảm, lạm phát. Lạm phát những tháng qua có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn ở mức cao gây khó khăn cho nền kinh tế và đời sống người dân.
Dẫn giải tình hình kinh tế thế giới không khả quan biểu hiện qua thất nghiệp gia tăng ở Mỹ, nợ công ở châu Âu và thế giới khó tránh khỏi cuộc khủng hoảng kép, ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho rằng: Việc giảm chỉ số giá tiêu dùng xuống 10% và lãi suất ngân hàng dưới 15% càng trở nên cấp thiết. “Nếu không các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể trụ vững” – ông Tín nói.
|
Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: Vnexpress |
Tiến sỹ Kinh tế Trần Du Lịch (ĐB TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình với kịch bản kinh tế của Chính phủ đưa ra là ưu tiên chống lạm phát và chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn năm 2011. Ông Lịch cho rằng, để thực hiện mục tiêu đó phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn.
“Các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ là đồng bộ nhưng trên thực tế triển khai lại chỉ chú trọng đến một vài giải pháp. Đây là một căn bệnh kinh niên của chúng ta” – ông Lịch nói. Thậm chí, ông Lịch còn cảnh báo, nếu thực hiện không hiệu quả việc giảm lạm phát, kinh tế đất nước có thể rơi vào tình hình giảm phát như năm 2008.
Đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền kinh tế
Tiến sỹ Trần Du Lịch tỏ ra vui mừng khi việc tái cơ cấu nền kinh tế đã được đưa vào Nghị quyết của hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 vừa qua. Giải pháp ông Lịch đề xuất chú trọng là tái cơ cấu đầu tư công. Theo đó, đầu tư Nhà nước phải có ý nghĩa thúc đẩy đầu tư xã hội.
Mức lạm phát ước tính cho năm 2011 lên khoảng 18%; mục tiêu cho chỉ số này trong năm 2012 do Chính phủ đề xuất là dưới 10%. Tốc độ tăng trưởng GDP Quốc hội đặt ra cho năm 2011 là 7-7,5%, hiện ước đạt 6%. GDP được Chính phủ đề xuất cho năm 2012 là 6-6,5%.
“Đồng tiền có hạn bỏ vào đâu, đầu tư có kích thích được đầu tư xã hội không? Khi đầu tư Nhà nước tăng thì đầu tư xã hội cũng phải tăng”. – ông Lịch nói.
Một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần triển khai nhanh, có hiệu quả việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường (ĐB Bắc Giang) gây được sự chú ý trên hội trường bằng bài phát biểu về giải pháp để thúc đẩy đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông Cường cho rằng, trong khi nông nghiệp đóng góp vào GDP 20% nhưng đầu tư toàn xã hội vào lĩnh vực này chỉ chiếm 6% là quá ít. Đầu tư nước ngoài không đáng kể, doanh nghiệp lĩnh vực này vừa yếu vừa thiếu. Chủ tịch Hội Nông dân đề nghị, ngoài việc tăng đầu tư của Nhà nước thì Chính phủ phải thay đổi, bổ sung các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư của xã hội vào lĩnh vực này.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đề nghị trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn liền với việc phát triển kinh tế vùng. Theo ông Cự, các tỉnh trong một vùng kinh tế cần phải được quy hoạch để “dùng chung” các cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường giao thông, sân bay nhà ga… Ngoài ra, các địa phương trong vùng kinh tế phải hỗ trợ nhau về nguồn nhân lực, về nguyên liệu hay sản phẩm phụ trợ.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.