Cần giãn cách các chuyến bay giải cứu công dân về nước trong cùng một ngày

Diệu Bình Thứ năm, ngày 25/03/2021 16:53 PM (GMT+7)
Đây là nội dung trọng tâm được các đơn vị đề nghị trong buổi kiểm tra và họp rút kinh nghiệm công tác triển khai chuyến bay trọn gói chở công dân từ Đài Loan về Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng vào ngày 25/3.
Bình luận 0

Tại cuộc họp, bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết, hiện nay tại Đà Nẵng đang thực hiện cách ly công dân về nước tại khu quân sự hoặc khách sạn có trả phí và có những chuyến bay phối hợp cả 2 nhóm này. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại sân bay quốc tế Đà Nẵng đã xây dựng quy trình khép kín, rút kinh nghiệm trong việc đón khác từ sân đỗ vào nhà ga cho đến lúc lên xe đến nơi cách ly, làm sao để giảm thiểu thấp nhất thời gian khách ở nhà ga.

"Các chuyến bay giải cứu về sát giờ nhau quá sẽ gây ùn ứ khách tại nhà ga và dễ trộn lẫn khách giữa các chuyến. Với những chuyến bay này chúng tôi gần như phải sử dụng toàn bộ công suất của nhà ga để tách khách của các chuyến bay. Đề nghị bố trí các chuyến bay trong cùng 1 ngày thì nên giãn cách khoảng 4 tiếng để xử lý tốt hơn", bác sĩ Lâm đặt vấn đề.

Cần giãn cách các chuyến bay giải cứu công dân về nước - Ảnh 1.

Chuyến bay chở 201 công dân từ Đài Loan hạ cánh sân bay Đà Nẵng chiều 25/3.

 Đồng quan điểm, đại diện đồn Công an cửa khẩu CHK quốc tế Đà Nẵng (Cục xuất nhập cảnh - Bộ Công an) cũng cho rằng, cần thiết giãn cách các chuyến bay giải cứu. Đặc biệt là khi thực hiện các chuyến bay thương mại do các công ty lo trọn gói, khi đó không loại trừ những trường hợp sử dụng giấy tờ không đúng quy định, nhập cảnh trái phép.

"Mới có một chuyến bay tại Nhật Bản về có hành khách sử dụng dấu kiểm chứng giả", vị đại diện này thông tin.

Theo bác sĩ Phạm Trúc Lâm, có đoàn khách về nước có thể cách ly tại nhiều khách sạn và khu quân sự, nên cần có danh sách khách trước để phân luồng thuận tiện hơn, tránh nhầm lẫn.

Bác sĩ Lâm cũng nêu ví dụ từng có chuyến bay gồm cả khách cách ly tại khu quân sự và khách sạn, do không có danh sách trước nên có khách cách ly tại khách sạn lại được đưa vào khu quân sự trong khi khách đã nộp tiền cho doanh nghiệp.

Ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT) cho biết, từ tháng 3/2020, nhà ga quốc tế T2 tạm dừng tất cả hoạt động phục vụ các chuyến bay thương mại, phục vụ 88 chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước và 23 chuyến bay đi.

"Hiện nay, AHT đã phải sa thải, tạm dừng làm việc khoảng 85-90% lao động. Nguồn lực hạn chế, đề nghị Cục hàng không cũng như các đơn vị liên quan khi có chuyến bay về cần thông báo cho AHT sớm để chuẩn bị chu đáo khi câu chuyện nhân sự đã trở thành một bài toán", ông Hậu nói.

Theo Phó cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, Cục đã yêu cầu các hãng hàng không, các công ty lữ hành tổ chức chuyến bay đưa khách về cách ly tại khách sạn phải cung cấp danh sách hành khách sớm, ít nhất trước 24 giờ trước khi chuyến bay cất cánh. 30 phút trước khi bay phải chốt lại danh sách lần cuối cùng.

"Điều đó không chỉ đáp ứng được yêu cầu phân loại xuất nhập cảnh, xử lý y tế mà còn xác định được đối tượng không được xuất nhập cảnh ngay từ đầu bên kia", ông Cường nói.

Theo ông Cường, sau tháng 3/2020, Việt Nam chỉ thực hiện những chuyến bay nhân đạo và hạn chế thành phần về nước. Sắp tới sẽ có nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài hết hạn visa bị kẹt ở nước ngoài về nước.

Người lao động phải trả phí xét nghiệm, phí cách ly gồm ăn ở tại khách sạn. Trong đó ưu tiên 6 quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào và Campuchia.

"Các đơn vị cần phối hợp tốt, phát hiện khó khăn, rút kinh nghiệm để tiến tới thực hiện các chuyến bay thương mại có tần suất đưa công dân Việt Nam về nước", ông Cường nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem