Tài chính khí hậu - mục tiêu NetZero và cơ hội của nông dân
Tài chính khí hậu - mục tiêu NetZero và cơ hội của nông dân
Anh Thơ
Thứ bảy, ngày 23/11/2024 08:39 AM (GMT+7)
Từ Baku, Azerbaijan, trong khi Hội nghị COP29 tiếp tục hướng đến mục tiêu huy động tài chính toàn cầu để hỗ trợ các quốc gia trong việc thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính thì ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã có những nông dân nhận thưởng "nóng" vì trồng được lúa giảm phát thải.
Kết thúc vụ lúa hè thu 2024, điều ông Chung Tấn Em và nhiều nông dân ở xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang không thể ngờ tới là ông được thưởng... tiền vì đã áp dụng theo mô hình mới - trồng lúa giảm phát thải.
Số tiền 43 triệu đồng, tương đương với lượng phát thải 116 tấn CO2e trên cánh đồng 29ha chỉ trồng lúa Nhật (DS1) đã được trao tận tay cho ông, số tiền có thể bằng lợi nhuận nông dân thu được khi canh tác 1 - 2ha, tùy vào thời điểm giá lúa cao hay thấp.
Cùng với ông Tấn Em, nông dân Lê Huỳnh Hữu Nghi ở huyện Kiên Lương cũng nhận được hơn 21 triệu đồng từ việc trồng lúa giảm phát thải, với tổng diện tích thực hiện hơn 11ha và 6 hộ dân ở huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) cũng nhận được từ 2,6-7,2 triệu đồng tiền thưởng.
Vậy, những nông dân này đã làm gì để lần đầu tiên trong cuộc đời trồng lúa nhiều thăng trầm, vất vả, họ lại được nhận một số tiền lớn đến thế cho một khái niệm tưởng như rất mơ hồ: Giảm phát thải.
Rất đơn giản, họ chỉ cần áp dụng quy trình canh tác "ngập - khô xen kẽ", chú ý thoát nước trên đồng ruộng càng nhiều càng tốt mà vẫn đảm bảo cho cây lúa hút được dinh dưỡng để phát triển; kết hợp với việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp bộ rễ của lúa bám chắc, giúp cây khỏe, hạn chế đổ ngã - mô hình mà các nông dân tham gia đều đánh giá "khỏe hơn nhiều" so với cách canh tác truyền thống vì mọi thứ đã được theo dõi, giám sát từ vệ tinh.
Được biết, các hộ dân ở Kiên Giang đã tham gia trồng lúa giảm phát thải theo quy trình của Công ty Net Zero Carbon phối hợp với Công ty BSB Nanotech triển khai thí điểm trên tổng diện tích 71ha tại huyện Hòn Đất và Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), ước tính đã có khoảng 70.000 chủ rừng được hưởng lợi từ thỏa thuận trao đổi tín chỉ carbon rừng mà Việt Nam và đại diện của Ngân hàng Thế giới đã đặt bút ký từ năm 2020 với khoản tài chính 51,5 triệu USD để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2.
Rõ ràng, cơ hội để nông dân hấp thu được nguồn tài chính khí hậu (huy động các nguồn tài chính để hỗ trợ các nỗ lực nhằm giảm thiểu, thích ứng và tạo khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu) là có thật và rất lớn. Bởi theo Theo Hiệp hội Giao dịch phát thải quốc tế, thị trường do Liên Hợp quốc hậu thuẫn có thể đạt tổng giá trị giao dịch 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và cắt giảm 5 tỷ tấn carbon mỗi năm.
Còn theo ông Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, mỗi năm ngành lâm nghiệp phát thải 30 triệu tấn carbon (CO2), nếu tính số lượng hấp thụ được thì chúng ta đang phát thải âm 40 triệu tấn CO2. Trường hợp mỗi năm chúng ta tăng được hấp thụ carbon từ rừng thông qua việc nâng cao được năng suất chất lượng rừng nghèo kiệt và rừng trồng, từ đó thu về 60-70 triệu tấn tín chỉ CO2/năm - đó chính là một "kho vàng".
Từ Baku, Azerbaijan, bên lề Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: "Trọng tâm của hội nghị COP29 là huy động tài chính toàn cầu để hỗ trợ các quốc gia trong việc thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính. Hội nghị đã đạt được nhiều thành công đáng kể, đặc biệt là việc các nước thuộc nhóm G20 cam kết hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải và thúc đẩy phát triển xanh".
Cơ hội của nông dân nằm ở đó!
Nhưng để tận dụng được nó, người nông dân cần làm gì? Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, bà con hãy bắt đầu từ việc thay đổi phương thức canh tác, bởi theo thống kê, lượng phát thải trong sản xuất lúa hiện chiếm đến 40%, chăn nuôi chiếm 20%, phần còn lại thuộc các lĩnh vực khác. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của nông nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra tín chỉ carbon và góp phần giảm phát thải toàn diện.
Để đạt được mục tiêu này, phương pháp canh tác lúa nước truyền thống cần được thay thế bằng phương thức ướt - khô, yêu cầu nông dân ghi nhật ký phát thải hằng ngày và áp dụng các giải pháp sản xuất bền vững. Bởi chỉ cần một thay đổi trong tư duy, phương thức sản xuất cũng có thể tạo nên một cuộc cách mạng.
"Tôi xin nhấn mạnh rằng nông nghiệp chính là lĩnh vực đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực giảm phát thải của Việt Nam. Sự phát triển bền vững của ngành này sẽ quyết định lớn đến việc chúng ta có thể đạt được các cam kết quốc tế về giảm phát thải và phát triển xanh trong thời gian tới hay không", ông Nguyễn Đình Thọ nói.
Sản xuất giảm phát thải đang là "từ khóa" được nhiều nông dân quan tâm, những nông dân mới hôm nay đều hiểu đó là con đường duy nhất để phát triển bền vững. Bởi thế, trong số hàng nghìn câu hỏi, kiến nghị, đề xuất gửi đến Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói, điều bà con nông dân rất quan tâm là làm thế nào để áp dụng các mô hình giảm phát thải và giải pháp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất cho những mô hình lớn? Những người nông dân của hôm nay cũng không ngại đầu tư máy móc, công nghệ để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, bởi thực tế, ở Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định,... đã xuất hiện những đại điền sản xuất cả trăm hecta ruộng, có trong tay đủ loại máy móc nông nghiệp hiện đại.
Điều cần nhất lúc này là bà con nông dân cần có sự định hướng, hỗ trợ của các hội đoàn thể, ngành chức năng để có thể tiếp cận các mô hình sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, được hướng dẫn ghi nhật ký giảm phát thải để có cơ sở đo đếm lượng tín chỉ carbon hấp thu được; có cơ hội tích tụ ruộng đất mở rộng sản xuất lớn.
Thống kê cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia triển vọng nhất về tín chỉ carbon. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm nước ta có thể bán vài chục triệu tấn CO2 nếu tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường cũng như đóng góp cho việc cam kết NetZero vào năm 2050.
Cơ hội đã hiện hữu, theo các chuyên gia, vấn đề cần làm lúc này là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước. Bởi điều này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với phương thức canh tác hiện đại, bền vững: Sản xuất xanh để hấp thu tài chính xanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.