Cần một chính sách bao quát

Thứ sáu, ngày 03/06/2011 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Học bơi để tự cứu lấy chính mình là một trong những hoạt động của Dự án “Phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai” của Tổ chức phi chính phủ Oxfam (Anh) phối hợp với 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp thực hiện. Chương trình này góp phần kéo giảm số lượng trẻ em đuối nước hàng năm ở vùng ĐBSCL.
Bình luận 0

Học bơi để phòng thân

img

Chương trình dạy bơi cho trẻ tại Đà Nẵng đã được triển khai từ lâu nhưng số trẻ được học còn ít.

Đầu mùa lũ năm 2008, bé Nguyễn Thị Thư (ngụ ấp 3, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) một mình bơi xuồng ra đồng hái bông điên điển. Đang mải mê thì em bị trượt chân, rơi xuống dòng nước đang đổ mạnh về phía hạ nguồn. Thư cố la thật to nhưng không ai nghe thấy. Phản xạ tự nhiên, Thư vùng vẫy, cố sức bơi và bám được vào xuồng, thoát chết trong gang tấc. Thư chính là một “học viên” vừa tham gia lớp “xóa mù bơi” tổ chức ngay tại địa phương. Nhờ tham gia khóa học này mà em đã tự cứu mình thoát khỏi tay thủy thần.

Ngay tại xã Phú Lợi, nhiều trẻ em như Thư được dạy bơi một cách bài bản. Huấn luyện viên lớp học là cán bộ nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện. Nhiều thành viên vừa qua lớp đào tạo kỹ năng bơi do Oxfam tập huấn, trở về địa phương cũng hăng hái tham gia xóa mù bơi cho người khác.

Tại các lớp dạy bơi ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, nhiều bà mẹ dẫn theo các con nhỏ tham gia lớp học. Chị Nguyễn Thị Út bộc bạch: “Lâu nay mùa lũ là mùa kiếm cơm mà tui không biết bơi nên cứ ru rú ở nhà. Nay có lớp dạy bơi, thấy con nít tham gia rần rần, phụ huynh như tui cũng đăng ký học để… phòng thân.

Theo tổng kết của UBND tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2002-2010, tỉnh đã chi hơn 9 tỷ đồng cho chương trình phổ cập bơi lội. Có 2.614 lớp dạy bơi cho 83.526 trẻ em theo học và biết bơi từ 25m trở lên, đạt tỷ lệ 36% trên tổng số trẻ chưa biết bơi.

Vẫn nơi có, nơi không

NTNN số 131/2011 có bài phản ánh về hàng loạt cái chết thương tâm của trẻ do đuối nước. Một trong những nguyên nhân chính là do trẻ không biết bơi. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho trẻ hiện mới chỉ là phong trào, nơi có nơi không.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, sở dĩ các lớp được tổ chức là có sự hỗ trợ của vài tổ chức phi chính phủ. Còn chính sách chung thì chưa có. Vừa qua, UBND tỉnh đi “tiên phong” khi ban hành kế hoạch phổ cập bơi phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2011-2015 với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2015 có khoảng 48% trẻ em trong độ tuổi từ 7-15 được phổ cập bơi, mở 4.431 lớp dạy bơi cho 110.775 trẻ em, 18% trường tiểu học và THCS đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh. Như vậy, vẫn có tới hơn 50% trẻ chưa được tiếp cận chương trình dạy bơi này.

Tương tự, từ nhiều năm qua, công tác phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em Quảng Nam, Đà Nẵng rất được chú trọng triển khai hầu hết các cấp huyện, thị. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Đơn cử như TP. Đà Nẵng, từ năm 2009 đến nay, Dự án An toàn Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai chương trình bơi an toàn cho 5.000 trẻ em từ 6-12 tuổi tại các địa điểm trường học, bãi tắm công cộng… Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương- Trưởng phòng Bảo trợ trẻ em (thuộc Sở LĐTBXH Đà Nẵng), đây mới chỉ là con số rất nhỏ so với 214.033 trẻ em ở độ tuổi trên tại Đà Nẵng tiếp cận được với chương trình này. Cho nên, chương trình dạy bơi cho trẻ trong Dự án An toàn Đà Nẵng chủ yếu đánh động ý thức của người lớn và hơn hết là sự chung tay của cả cộng đồng trong vấn đề giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước ở trẻ em chứ chưa thực sự “mở rộng đại trà”.

Tại Yên Bái, bà Lê Thu Lan - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh cho hay, cả tỉnh Yên Bái chỉ có 1-2 bể bơi “không đủ để dạy một phần nhỏ nhu cầu cho trẻ em thành phố”. Vì thế, trẻ em nông thôn hầu như không có cơ hội được học bài bản. Tỉnh này chỉ tính phương án “đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người tham gia phòng ngừa tai nạn cho trẻ”- bà Lan nói.

Hiện tại, đề án phổ cập bơi cho trẻ độ tuổi tiểu học đang được giao cho Bộ LĐTBXH soạn thảo với hy vọng tỷ lệ trẻ biết bơi tăng lên, tỷ lệ đuối nước giảm xuống. Nhưng chưa biết bao giờ chính sách toàn diện này mới được ra đời để “cứu” tình trạng đuối nước đang xảy ra hết sức đau xót.

Bình Định: Tắm biển, hai anh em chết đuối

Ngày 2.6, UBND xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) cho biết đã tìm thấy xác hai anh em Nguyễn Văn Tây (16 tuổi) và Nguyễn Văn Nam (13 tuổi, cùng ở thôn Mỹ Khánh) bị chết đuối tại bãi biển Hoài Hải. Trước đó, chiều 1.6, anh em Tây, Nam cùng Nguyễn Văn Yến (13 tuổi) đến bãi biển xã Hoài Hải tắm. Trong lúc bơi lội, cả 3 bị sóng cuốn ra khơi. Người dân địa phương phát hiện cứu được Yến trong tình trạng hôn mê. Khi tỉnh dậy, Yến cho biết còn Tây và Nam ngoài khơi nên người dân mới tổ chức tìm kiếm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem