Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - xung quanh những nhận định về thay đổi và tác động của các chính sách an sinh xã hội trong năm 2012 và năm mới 2013 tới người dân.
Nghèo đột biến
Kinh tế năm 2012 hết sức khó khăn nhưng với quyết tâm của Chính phủ, chúng ta vẫn giữ được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội (ASXH). Tuy vậy, theo bà, điều gì khiến bà còn lo lắng trong công tác đảm bảo ASXH?
- Phải nói rằng việc Nhà nước quan tâm và giữ ổn định các chính sách về ASXH trong 3 - 4 năm qua, năm sau có nhỉnh hơn so với năm trước chút ít, cũng đã là nỗ lực rất lớn trong điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào chính sách giảm nghèo vẫn còn những điều lo ngại, đó là yếu tố bền vững trong các chính sách. Đây cũng là thách thức đối với quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế. Ví như mục tiêu giảm nghèo chẳng hạn. Theo chuẩn nghèo mới, có hơn 13% dân số nằm trong diện nghèo, nhưng cũng có hơn 7% dân số là hộ cận nghèo. Tỷ lệ tái nghèo lớn, khoảng 4%. Rõ ràng yếu tố giảm nghèo bền vững chưa đạt dù chúng ta đã tập trung nguồn lực, có nhiều chính sách giảm nghèo.
|
Bà Trương Thị Mai ấn nút thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội 2013, tại phiên họp thứ 4 vừa qua. |
Điều dễ nhận thấy là, từ cận nghèo có thể chuyển sang tái nghèo. Đặc điểm của Việt Nam là yếu tố đột biến (như thiên tai, cú sốc kinh tế) chiếm tỷ lệ rất lớn, từ cận nghèo sang nghèo rất dễ dàng và ngược lại. Điều này làm chính sách giảm nghèo khó đạt được mục tiêu bền vững nếu không có tác động của những chính sách mạnh mẽ, dài hạn.
Hội nghị T.Ư 5 đã nhận định: Chính sách xã hội còn chậm đổi mới so với chính sách kinh tế. Vậy trong giai đoạn tới, liệu có thể hy vọng chính sách xã hội sẽ có những bước tiến đáng kể, thưa bà?
- Để thay đổi, như tôi nói, chúng ta phải có chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Về nguồn lực, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà phải kêu gọi sự đóng góp, bên cạnh đó, xây dựng chính sách ASXH cũng phải đồng bộ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Tôi xin đơn cử, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ có chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó sẽ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động. Dự kiến tới 2020, cơ cấu trong lao động phi chính thức (nông nghiệp) chỉ còn khoảng 20%. Trong khi lực lượng lao động của mình là khoảng 53 triệu người với hơn 15 triệu lao động chính thức và hơn 35 triệu lao động phi chính thức, chủ yếu là lao động nông nghiệp và một bộ phận lao động tự do.
10 năm tới, nếu chuyển dịch cơ cấu còn khoảng 20% lao động nông nghiệp (nghĩa là chỉ còn khoảng 10 triệu nông dân), số còn lại sẽ phải chuyển dịch qua khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Quá trình chuyển dịch này phải là quá trình có định hướng, có tác động về chính sách của Nhà nước. Số nông dân này phải được đào tạo nghề để có thể chuyển dịch trong thị trường lao động một cách chủ động, có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp để có việc làm có thu nhập và môi trường làm việc an toàn. Nếu để chuyển dịch tự phát, khả năng người lao động bị tổn thương sẽ rất cao.
Về đổi mới chính sách ASXH để đồng bộ với phát triển kinh tế, hiện đã có nghị quyết rất quan trọng của Bộ Chính trị là Nghị quyết về Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT). Với BHXH, trụ cột chính là Bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm cho hàng triệu người cao tuổi có lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già. Đối với BHYT, đến nay đã có 68% người dân tham gia và chúng ta đang hướng tới mục tiêu 80% người tham gia vào năm 2020.
Chính phủ đã có khá nhiều chính sách về giảm nghèo, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội, các chính sách vẫn bộc lộ nhiều bất cập như nguồn lực bị xé lẻ, nhiều đầu mối quản lý, một số chương trình mục tiêu quốc gia chồng chéo?
-Hiện giờ, chúng ta có khoảng hơn 30 chính sách khác nhau về giảm nghèo, được điều hành bởi khoảng 8 bộ và tất cả các địa phương. Vì vậy, nếu không có một "nhạc trưởng" và có sự lồng ghép chính sách thì đạt hiệu quả thấp. Hiện giờ, vai trò "nhạc trưởng" được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) với một Chương trình giảm nghèo quốc gia, từ hai chương trình trước đây do Bộ LĐTBXH (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo) và và Ủy ban Dân tộc (Chương trình 135) thực hiện.
Tuy nhiên, theo tôi, Bộ KHĐT phải sâu sát hơn nữa trong việc giám sát, chỉ đạo để việc lồng ghép chính sách được hiệu quả hơn. Hiện nay chưa khắc phục được tình trạng các bộ, các địa phương tổ chức thực hiện chính sách riêng rẽ, tản mạn.
Không thể lắp ghép chương trình một cách cơ học được. Phải thay đổi toàn bộ cách thức điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng quản lý đầu ra, tăng tính hiệu quả đối với chính sách giảm nghèo.
Sẽ có cải cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương
Lộ trình tiền lương suýt nữa đã không được Chính phủ thực hiện đúng như cam kết do khó khăn về ngân sách. Nhưng rõ ràng, trong điều kiện khó khăn lúc này chưa thể trông chờ vào ngân sách mà phải có giải pháp khác., theo bà, giải pháp đó là gì để tăng lương và tăng cả hiệu quả, chất lượng cán bộ?
-Về lộ trình tiền lương, năm 2013, theo dự kiến lương tối thiểu đối với khu vực công sẽ là 1,3 triệu đồng/tháng, còn khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ đi nhanh hơn để đến 2015 thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động, tức là lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tới đây, Hội nghị T.Ư 7 bàn về đề án cải cách tiền lương sẽ định hướng cho việc cuộc cải cách mạnh mẽ về tiền lương trong khu vực công. Chắc chắn sẽ có thay đổi trong 3 nhóm: Một là khu vực hành chính, Đảng, đoàn thể; Hai là sự nghiệp công, dịch vụ công (tập trung chủ yếu là giáo dục và y tế); Thứ 3 là doanh nghiệp nhà nước. Khu vực hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể phải tiếp tục kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế, tiếp tục lộ trình tăng lương để lương thực sự là động lực đối với cán bộ, công chức, đảm bảo được cuộc sống để họ thực sự toàn tâm toàn ý với công việc.
"Đã xuất hiện tầng lớp nghèo mới, chính là người nghèo đô thị bị ảnh hưởng bởi cú sốc kinh tế... dẫn tới bị mất việc làm, giảm thu nhập mà không có chính sách hỗ trợ kịp thời".
Bà Trương Thị Mai
Còn việc tăng lương thế nào, nguồn lực từ đâu thì phải bằng cách thay đổi khu vực thứ hai là khu vực dịch vụ công. Đơn cử như ngành y tế, vừa thực hiện BHYT toàn dân, vừa tăng dần giá dịch vụ y tế để đánh giá đúng hiệu quả của dịch vụ công, vừa trao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế để người ta được quyền trả lương, quyết định nhân lực, lựa chọn người giỏi, đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ. Người dân có quyền lựa chọn cơ sở y tế nào tốt nhất để tới khám chữa bệnh. Tôi nghĩ, lộ trình này sẽ thiết lập trong vòng khoảng 5 - 10 năm nữa, hoặc có thể dài hơn.
Nếu thực hiện được như vậy thì rõ ràng chúng ta có thể tăng lương mà không phải trông chờ vào ngân sách?
- Đúng như vậy, hiện nay việc tăng lương phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, mà người dân cũng không chấp nhận lấy tiền ngân sách quá nhiều để trả lương cho bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả. Còn khu vực doanh nghiệp nhà nước thì quá rõ rồi. Trong tương lai khu vực này phải gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, bộ máy hành chính sẽ được sắp xếp lại theo mô hình "việc làm" - mô hình tiến bộ mà nhiều nước đang áp dụng - là sắp xếp các vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của mỗi người và tiền lương cũng sẽ phù hợp. Nhưng để thiết lập được một mô hình này thì không đơn giản, phải mất một số năm nữa mới có thể làm xong để nền công vụ của chúng ta tốt hơn.
Xin cảm ơn bà!
Hải Phong (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.