Chưa rõ cấm cái gì
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, hiện nay danh mục cấm đầu tư, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện vẫn đang phải chờ các cơ quan chức năng tiến hành rà soát. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn khi thảo luận 2 dự án luật trên, bởi đến thời điểm này, lĩnh vực nào cấm đầu tư, kinh doanh; lĩnh vực nào đầu tư có điều kiện, kinh doanh có điều kiện thì đều chưa rõ. Ông Nguyễn Đức Hiền -Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội phân tích: Quy định như dự luật là chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đề nghị cần rà soát, quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư, đồng thời quy định chi tiết danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện. Trong trường hợp chưa quy định cụ thể như vậy thì cần có tiêu chí, nguyên tắc để xác định danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành nghề cấm đầu tư theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - ông Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm: Trong bối cảnh nền kinh tế năng động như hiện nay khó có thể xác định ngay được hết các ngành, nghề cần phải cấm đầu tư. Vì vậy dự án luật có thể mở ra hướng trong điều kiện nhất định nào đó thì Chính phủ quy định và phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, sau đó trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đồng tình quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: “Ngành nào cấm đầu tư phải ghi ngay vào luật. Giờ dự thảo lẽ ra phải có danh mục cấm rồi mà nay chưa làm kịp thì trong tháng 9 tới phải có”.
Các bộ chậm trả lời
Lý giải về sự chậm trễ trong tập hợp danh mục cấm đầu tư, kinh doanh tại 2 dự án luật trên, ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bộ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành rà soát những lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh; lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện nhưng mới nhận được văn bản trả lời từ 3 bộ, ngành là Quốc phòng, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ. “Sắp tới tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ một lần nữa để Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành. Lần trước tôi đã báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rồi, nhưng chắc đây là vấn đề khó nên các bộ chưa rà soát hết và trả lời sớm được”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Đây là 2 dự án luật khó, có tầm phổ quát lớn, song có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải được thực hiện tốt nhằm đổi mới toàn diện, thúc đẩy, giải phóng sức sản xuất. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hành vi buôn gian bán lận thường diễn ra trong quá trình đầu tư và kinh doanh, vì vậy đề ngăn chặn tình trạng này, cơ quan soạn thảo cần gắn các nội dung của dự án luật với việc chống hành vi gian lận thương mại. “Cần quy định vấn đề đạo đức kinh doanh trong dự án luật” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại phiên họp thứ 30 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 13 dự án luật, trong đó có 9 dự án luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.