Ngày 17.1, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ VN Vũ Trọng Kim khẳng định: Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có gần 4 triệu người, sống, làm việc ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển. Do đó, việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
|
Kiều bào về nước ăn Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 (chụp ngày 29.12 tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM). |
Tại hội nghị, các đại biểu đã bày tỏ nhiều ý kiến, quan điểm hết sức thẳng thắn, cụ thể, trong đó nêu rõ, Hiến pháp 1992 khẳng định vai trò quan trọng của người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng cần được cụ thể hóa và chi tiết. Ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch Trường nghề Việt Nam tại Canada đặt ra vấn đề: Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Khi họ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì phải được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt Nam như trong Điều 19 của Hiến pháp quy định. Tuy nhiên, trong thực tế, quyền lợi và nghĩa vụ của đối tượng này không nổi bật, trong đó có cả sự khó khăn nhất định khi tham gia vào HĐND.
“Chúng tôi về Việt Nam đầu tư lâu dài với những dự án 50 năm, 100 năm và cũng sẵn sàng bảo vệ đất nước quê hương mình. Nhưng tại sao không đưa vào Hiến pháp quyền lợi và nghĩa vụ của chúng tôi? Tôi nghĩ, trong Hiến pháp nên có đề cập, dù ngắn gọn nhưng phải có dấu ấn để con cháu chúng ta nhìn vào đó mà thực hiện” - ông Bắc đề nghị.
Đồng tình với quan điểm này, ông Tài Phương - đại diện Hội Người Việt Nam tại Mỹ - cho rằng, hơn 4 triệu người Việt Nam đang định cư, sinh sống tại nước ngoài là nguồn lực lớn, có đóng góp nhất định về tài chính và chất xám cho đất nước. Tuy nhiên, để phát huy tốt điều này, Nhà nước cần có sự bảo hộ về quyền lợi chính đáng cho đối tượng này khi về nước đầu tư. “Tôi đề nghị Nhà nước cần bảo hộ cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đầu tư và phát triển xây dựng đất nước. Hiện nay, nhiều bà con vẫn có tâm tư, khi về Việt Nam làm ăn gặp khó khăn thì không biết phải tìm ai để giải quyết” - ông Phương chia sẻ.
“Đề nghị Nhà nước cần bảo hộ cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đầu tư và phát triển xây dựng đất nước”.
Ông Tài Phương - đại diện Hội Người Việt Nam tại Mỹ
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến Dự thảo Hiến pháp cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để thể hiện ngắn gọn, rõ ràng hơn và cần bảo đảm có giá trị lâu dài. Việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo cần được triển khai sâu rộng tại Đại sứ quán Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài được tham gia đóng góp ý kiến của mình…
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Huỳnh Đảm nêu rõ: Trong thời gian tới, MTTQ VN sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, trong có có người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các tổ chức thành viên của mặt trận; qua các hội nghị góp ý do Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức tại các địa phương trong cả nước và thông qua việc gửi văn bản góp ý về Ủy ban MTTQ các cấp...
Long Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.