Cần quy định rõ việc bảo vệ người tố cáo

Thứ sáu, ngày 12/11/2010 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thảo luận tại tổ chiều qua 11-11, các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ việc Luật Tố cáo phải đề cập đến việc bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, để luật tăng tính khả thi các quy định phải cụ thể, rõ ràng hơn...
Bình luận 0

Đại biểu Phạm Thị Huyền Thái (Hà Nội) cho rằng không ai không lo ngại khi tố cáo, nhất là người mình tố cáo là thủ trưởng, lãnh đạo mình. Sau khi tố cáo, người tố cáo bị "trù úm", thậm chí còn đe doạ đến cả công việc. Trong khi việc "trả đũa" này rất khó phát hiện, có khi "được vạ má đã sưng". Nhiều đại biểu khác cho rằng, việc bảo vệ người bị tố cáo cần phải được quy định cụ thể hơn ngay trong các dự thảo luật hoặc các nghị định của Chính phủ.

Cũng liên quan đến người tố cáo, các đại biểu đồng tình với việc xử lý những người cố tình tố cáo sai sự thật, gây hậu quả xấu cho người bị tố cáo. Tuy nhiên, việc phân biệt thế nào là "cố tình" tố cáo sai với việc tố cáo sai là vấn đề rất nhạy cảm. Vì thế, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần đưa ra tiêu chí phân biệt để tránh ảnh hưởng đến mong muốn tố cáo, đấu tranh chống sai phạm trong nhân dân. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề cập đến việc cần đưa ra cơ chế để xử lý những người tố cáo gây khó khăn, áp lực cho đơn vị giải quyết đơn tố cáo. Bà Hà dẫn chứng chính bà bị một người tố cáo đến tận nhà riêng mắng mỏ, gây áp lực khi đang tìm nhiều cách để giải quyết đơn thư cho họ.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong giải quyết đơn tố cáo. Bà Khánh cho biết, hiện nay có hiện tượng có người tố cáo sai nhưng nhờ cậy cơ quan báo chí đăng bài, phát hành số lượng lớn làm ảnh hưởng uy tín người bị tố cáo. Vì thế theo bà Khánh cần có cơ chế để kiểm soát vấn đề này trong Luật Tố cáo vì trong Luật Báo chí chưa quy định rõ vấn đề này.

Vấn đề đơn tố cáo nặc danh cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với phương án không giải quyết đơn thư dạng này vì dễ gây ra tố cáo tràn lan, đặc biệt là trước các kỳ đại hội, bổ nhiệm nhân sự. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Huyền Thái đề nghị dự thảo luật nên quy định theo hướng: Những đơn thư tố cáo nặc danh nhưng sự việc trong đơn nêu cụ thể, rõ địa chỉ, nhiều dữ liệu chứng minh là đúng thì nên xem xét. "Thực tế cho thấy tỷ lệ tố cáo đúng trong các đơn nặc danh là khá cao. Nếu không xử lý thì sẽ dễ bỏ sót sai phạm" - bà Thái nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem