Cần sớm lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở miền Trung
Cần sớm lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở miền Trung
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 21/11/2020 11:01 AM (GMT+7)
Mới đây khi báo cáo Quốc hội về thực trạng tình hình, kết quả công tác phòng chống bão, lũ và những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo sớm lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở miền Trung
Theo báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội, từ đầu tháng 10 đến nay, bão lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ sạt lở đất.
Tình trạng "bão chồng bão", "lũ chồng lũ" chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.
Từ cuối tháng 9, đặc biệt trong tháng 10 năm 2020, các tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên đã chịu ảnh hưởng rất lớn của bão lũ, sạt lở đất rất nghiêm trọng.
Về bão, đã xảy ra 05 cơn bão (số 5, 6, 7, 8, 9) đổ bộ vào các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ gây ra mưa đặc biệt lớn, lũ lịch sử.
Đặc biệt, cơn bão số 9 đi vào biển Đông sáng 26/10, gia tăng cường độ, gió đạt đến cấp 14, giật cấp 17; trưa ngày 28/10 đổ bộ vào đất liền (tâm bão tại Quảng Ngãi) với sức gió cấp 11 - 12 giật cấp 14 - 15, thời gian lưu bão kéo dài (6 tiếng), kèm theo mưa lớn tại các tỉnh từ Nghệ An, Quảng Nam đến Bình Định (tại Thạch Xuân, Hà Tĩnh 857 mm, tại Thanh Chương, Nghệ An 730 mm), gây ngập lụt trên diện rộng.
"Đây là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua và đổ bộ ngay sau khi khu vực miền Trung vừa mới bị tổn thương rất nặng nề do bão và mưa lũ trước đó" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong báo cáo.
Về mưa, lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, nhiều nơi mưa trên 3.000mm; một số nơi có mưa đặc biệt lớn như: Hướng Linh (Quảng Trị) 3.337mm, A Lưới (Thừa Thiên Huế) 3.446mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 3.025mm. Mưa to đã gây lũ lớn trên toàn hệ thống sông trong khu vực.
Các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 sông chính tại khu vực, trong đó đã có 04 sông đã vượt mức lũ lịch sử gồm: sông Bồ (Thừa Thiên Huế); sông Thạch Hãn, sông Hiếu (Quảng Trị), sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Thu Bồn (Quảng Nam) và 10 sông khác ở mức báo động 3 đến trên báo động 3 xấp xỉ 2m.
Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317.000 hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi ngập sâu, có nơi kéo dài tới 15 ngày. Trong đó, Quảng Bình là tỉnh bị ngập nặng nhất với trên 109.000 hộ (437.000 nhân khẩu), có nơi ngập sâu đến 2-3 m (tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh).
Đặc biệt, các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sỹ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trước tình hình bão, lũ diễn biến phức tạp từ cuối tháng 9 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tập trung làm tốt công tác dự báo, cảnh báo bão, mưa, lũ có thể xảy ra đối với từng cơn bão; triển khai cụ thể các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả, đặc biệt là công tác cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.
Đối với cơn bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công tác phòng chống rất sớm, ngay từ trước khi bão vào biển Đông.
Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do đồng chí Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo tại chỗ công tác ứng phó, huy động mọi lực lượng, phương tiện, kể cả các phương tiện hiện đại (máy bay, tàu kiểm ngư, xe lội nước…), triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo phương châm "4 tại chỗ" và đã kịp thời thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển và đất liền.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, mưa lũ lớn lịch sử, kéo dài, bão số 9 có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi rộng, sức tàn phá rất lớn nên đã gây thiệt hại nặng nề. Đã có 235 người chết và mất tích (riêng bão số 9 là 80 người); trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (riêng bão số 9 là trên 177.000 ngôi nhà).
Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển và bị hư hỏng, sạt lở).
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, khi xây dựng các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, giao thông phải hạn chế tối đa việc chuyển đổi rừng và phải trồng rừng thay thế.
Thực tế, độ che phủ rừng ở khu vực miền Trung đạt khá cao 55%, đứng thứ 2 trong các vùng sinh thái, trong đó giai đoạn 2015-2019 tăng 373.000ha. Tuy nhiên, do mưa, lũ lớn kéo dài như đã nêu trên, cùng với đó, địa hình đồi núi có độ dốc rất lớn, địa chất phức tạp, đất bị ngâm nước lâu ngày dẫn đến bão hoà nước là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ sạt lở đất gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
"Trong khi đó, việc đầu tư hệ thống thông tin, trang thiết bị cảnh báo còn gặp nhiều khó khăn; khả năng chống chịu bão lũ của các công trình phòng chống thiên tai, công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nhà ở của một bộ phận người dân ở một số nơi còn thấp; trang thiết bị phục vụ cho phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu… cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu một thực tế.
Trong thời gian tới, để tiếp tục ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ huy động mọi lực lượng, phương tiện tiếp tục tập trung tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích, trong đó có các nạn nhân do sạt lở đất tại công trường thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) và tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam); các ngư dân 2 tàu cá của Bình Định…; trong quá trình tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Tập trung cứu trợ, hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau bão, lũ, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa bị cô lập, chia cắt giao thông. Hỗ trợ kịp thời người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có người bị nạn. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng quân đội, công an và đoàn thể các cấp ở địa phương.
Khắc phục nhanh các công trình hạ tầng bị sự cố, hư hỏng do bão, lũ; trong đó tập trung khôi phục hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, giao thông, thuỷ lợi, đê điều, trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ…
Tập trung xử lý vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Về lâu dài, sẽ nghiên cứu, đánh giá cụ thể và rà soát xây dựng lại các kịch bản biến đổi khí hậu để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở ... đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai.
Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó được hiệu quả; hiện đại hóa mô hình, công nghệ dự báo; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nhất là các trạm đo mưa, trong đó cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác quan trắc.
Tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
Điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu; hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng ven biển, khu vực đông dân cư và xu hướng biến đổi khí hậu.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.