Đây là một trong những kiến nghị cụ thể của Liên minh Đất đai (LANDA - diễn đàn của 18 tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo Chia sẻ đề xuất kiến nghị, góp ý cho Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Hội thảo do hai đơn vị nói trên đồng tổ chức vào sáng 22.4, tại Hà Nội.
Thêm đối thoại để tăng đồng thuậnSau khi nghe các báo cáo đề dẫn tại hội thảo, đại diện nhiều đơn vị thành viên của LANDA, VCCI, Hội Luật gia Việt Nam, các chuyên gia và khách mời đã thảo luận, góp ý cho Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Dự thảo nghị định quy định phương pháp định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất; Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (các dự thảo công bố ngày 7.1). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung vào nội dung kiến nghị và ý kiến thảo luận đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định về đối thoại giữa chính quyền và người thu hồi đất.
Các đại biểu đã có nhiều phát biểu góp ý sâu sắc tại hội thảo.
Theo báo cáo của LANDA và VCCI, tăng cường tính đồng thuận giữa chính quyền và người bị thu hồi đất thông qua đối thoại giữa các bên có liên quan là một yêu cầu cần thiết để làm “mềm đi” quá trình chuyển dịch đất đai bắt buộc theo quyết định của Nhà nước. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất không nên hiểu đơn giản chỉ là việc ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cuối cùng là quyết định cưỡng chế. Khi tổ chức tốt quá trình đối thoại thì những xung đột phát sinh về lợi ích giữa các bên sẽ giảm đi và tính đồng thuận sẽ tăng lên, vừa tạo điều kiện giảm được nguy cơ tham nhũng, vừa giảm được khiếu kiện của người có đất bị thu hồi.
Để có bằng chứng sinh động cho câu chuyện này, LANDA và VCCI đã có nghiên cứu tại TP. Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, với mục tiêu tìm hiểu các kinh nghiệm tốt trong quản lý và sử dụng đất đai tại 2 thành phố nêu trên làm căn cứ đề xuất sửa đổi bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn đã phân tích cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch của Đà Nẵng; cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai (áp dụng cho các dự án giao thông và chỉnh trang đô thị)…
Đừng bỏ phí kinh nghiệm hay của Đà NẵngTrong bản trình bày của mình, ông Thịnh nhấn mạnh một số chính sách cụ thể đem lại hiệu quả tích cực của TP. Đà Nẵng như: Công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã/phường trên các trang thông tin điện tử; lấy ý kiến người dân với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất qua hội nghị trực tiếp tại điểm khu dân cư; công khai và lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bằng hình thức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất bị thu hồi. Khi có trên 80% người dân đồng thuận mới ra quyết định thu hồi. TP.Đà Nẵng cũng đã tổ chức đối thoại giữa chính quyền và người bị thu hồi đất. Hoạt động này được tổ chức trực tiếp, ngay tại điểm dân cư, các vị chủ tịch UBND cấp phường, quận và thành phố tham gia trực tiếp các cuộc đối thoại này.
GS Đặng Hùng Võ khuyến cáo cần tận dụng kinh nghiệm hay của Đà Nẵng vào việc xây dựng các cơ chế, các quy định pháp luật để mang lại lợi ích và hiệu quả cho cả người dân và nhà nước trong thu hồi đất.
|
Bằng việc mở thêm không gian đối thoại trực tiếp, thẳng thắn cùng với một số chính sách về giá đền bù, quy hoạch và xây dựng khu tái định cư, chính sách khuyến khích người dân giao mặt bằng đúng tiến độ, Đà Nẵng đã gia tăng sự đồng thuận trong việc Nhà nước thu hồi đất gắn với quy hoạch lại thành phố và tái định cư theo quy hoạch lại thành phố. Lượng khiếu kiện của dân về đất đai ở TP.Đà Nẵng cũng thấp khi thành phố đã tổ chức tái định cư cho nhiều khu phố lớn. Đà Nẵng đã có một quy hoạch mới hướng tới hiện đại mà chỉ cần sử dụng nội lực từ đất đai. Đây là những kinh nghiệm rất quý để nhân rộng mô hình thu hồi đất theo quy hoạch.
Phát biểu tại hội thảo về bài học của TP. Đà Nẵng, GS-TSKH Đặng Hùng Võ đánh giá: Có thể nói Đà Nẵng là địa phương duy nhất thực hiện thành công cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch, ngoài ra chưa tỉnh, thành nào làm được điều này. Một vài nơi có làm, nhưng thất bại, như Bình Thuận (thu hồi đất ở Mũi Né, thu hồi xong không có nhà đầu tư vào) hoặc một số tỉnh miền núi khác…
Góp ý tại hội thảo, ý kiến từ các văn phòng luật sư (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, bên cạnh phân tích các bài học tích cực, nhóm nghiên cứu của LANDA và VCCI nên mở rộng quan tâm nghiên cứu cả những điểm nóng về thu hồi đất, và những bài học rút ra để có được những cái nhìn sâu rộng hơn. Ý kiến góp ý sẽ được cơ quan tổ chức hội thảo tiếp thu để góp phần hoàn thiện bản kiến nghị gửi tới cơ quan soạn thảo các nghị định.
Nội dung “điều mới” được đề xuất Dựa trên kinh nghiệm của TP.Đà Nẵng, LANDA và VCCI kiến nghị bổ sung thêm một điều quy định về quá trình đối thoại cần thực hiện giữa chính quyền và những người bị thu hồi đất khi thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch vào sau Điều 75 - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (văn bản công bố ngày 7.1.2014). Báo cáo này tạm gọi điều mới này là Điều 75b, với nội dung cụ thể như sau:
Điều 75b. Tổ chức đối thoại giữa chính quyền và những người bị thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch.
1. Khi thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, sau khi đã ban hành thông báo thu hồi đất thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tổ chức đối thoại hoặc uỷ quyền cho giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức đối thoại với những người bị thu hồi đất về quy hoạch phát triển cụ thể tại địa phương, việc áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, việc sử dụng đất theo quy hoạch, các quy định của pháp luật có liên quan và phương án tái định cư theo quy hoạch gắn với bồi thường, hỗ trợ.
2. Nội dung đối thoại là những vấn đề có liên quan tới phương án thay đổi hiện trạng sử dụng đất hiện tại bằng quy hoạch sử dụng đất trong tương lai và việc bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và những người bị thu hồi đất theo phương án quy hoạch.
3. Tài liệu phục vụ đối thoại là văn bản thuyết minh về nội dung đối thoại quy định tại Khoản 2 Điều này và được công khai trên trang thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian 30 ngày trước khi thực hiện đối thoại.
4. Tại khu vực đô thị, việc đối thoại được thực hiện thông qua hình thức giao lưu trực tuyến trên mạng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh. Khi có nhiều ý kiến không đồng thuận, việc đối thoại trực tiếp được tổ chức trên địa bàn phường, thị trấn. Tại khu vực nông thôn, việc đối thoại được tổ chức trực tiếp trên địa bàn các điểm dân cư nông thôn.
5. Kết quả đối thoại được công khai trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và được sử dụng làm tài liệu trong việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. (Nguồn: LANDA, VCCI)
|
Lam Giang (Lam Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.