Phóng viên NTNN đã trao đổi với bà Lê Kim Dung để làm rõ hơn ý kiến này.
Ngày 16.6, 18 tổ chức xã hội, nghề nghiệp đã cùng ký vào bản kiến nghị gửi đến Quốc hội, đề nghị chưa biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này. Quan điểm của Oxfam về vấn đề này như thế nào, thưa bà?
- Oxfam ủng hộ mạnh mẽ 18 tổ chức của Việt Nam mới đây kiến nghị Quốc hội chưa thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Việt Nam khóa XIII.
Oxfam cho rằng, kiến nghị này là xác đáng vì việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 cần nhiều thời gian hơn nữa để nghiên cứu thấu đáo và hoàn thiện nhằm đảm bảo tính khả thi và đáp ứng tốt nhất nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là nông dân nghèo và các nhóm yếu thế khác.
Kiến nghị này được dựa trên kết quả tham vấn cộng đồng để góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), được nhiều tổ chức chính trị xã hội và nghề nghiệp thực hiện với sự tham gia của gần 1.500 nam nữ nông dân và đại diện chính quyền các cấp và khu vực tư nhân, cũng như hàng triệu ý kiến thu thập được từ quá trình lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan, ban ngành về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Chính phủ tiến hành từ tháng 2 đến tháng 3 vừa qua.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của NTNN mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng: Nếu Quốc hội kỳ này không thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì sẽ phải ra một nghị quyết mới về kéo dài thời hạn sử dụng đất, bởi đến ngày 15.10.2013 theo Luật Đất đai năm 2003 (Điều 67) là hết hạn 20 năm giao đất, cho thuê đất. Bà có thể chia sẻ về ý kiến này như thế nào?
- Theo Oxfam được biết, luật đất đai hiện hành có quy định là khi hết thời hạn sử dụng thì người nông dân được gia hạn tự động mà không cần bất cứ một thủ tục hành chính nào (khoản 1 Điều 34 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004 về thi hành Luật Đất đai). Như vậy, không có khoảng trống pháp luật nào tồn tại sau ngày 15.10.2013 và do vậy không cần ban hành văn bản phụ trợ nào.
|
Tham vấn người dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quảng Bình. |
Trong trường hợp Quốc hội đồng ý lùi thời điểm biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp thứ 6, theo bà, trong 4 tháng tới, Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện những nội dung nào?
- Bản Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất hiện nay vẫn chưa giải quyết toàn diện các vấn đề then chốt trong quản lý và sử dụng đất đai, bao gồm các nguyên tắc cơ bản trong lấy ý kiến của người dân và cơ chế đồng thuận của cộng đồng trong các quyết định của Nhà nước về quản lý và thực thi pháp luật về đất đai; cơ chế nhà nước thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đặc biệt thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội; định giá đất; đảm bảo quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cho cộng đồng và người dân, và quản lý và sử dụng đất của nông lâm trường quốc doanh.
Nếu Dự thảo Luật Đất đai có được các giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề then chốt này thì hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ sẽ có cơ hội cải thiện cuộc sống và thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững.
Bên cạnh đó, có một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai, đặc biệt cơ chế Nhà nước thu hồi đất, vẫn còn đang được thảo luận trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Do vậy, nhằm đảm bảo tính hợp hiến, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ nên được thông qua sau khi Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Oxfam cũng ủng hộ kiến nghị cho rằng, kèm theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành luật (theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, năm 2008). Những nghị định này cũng cần phải được lấy ý kiến cộng đồng nhằm đảm bảo tính khả thi của các văn bản pháp luật này.
Thưa bà, vì sao Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự quan tâm đặc biệt của Oxfam?
- Oxfam hỗ trợ các dự án xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam hơn 20 năm qua, ở nhiều tỉnh nghèo khác nhau trên cả nước, tập trung vào các nhóm yếu thế, như người nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo và đồng bào dân tộc thiếu số. Trong các dự án hỗ trợ phát triển sinh kế nông thôn của Oxfam, vấn đề đất đai (tiếp cận, quản lý, chất lượng) là vấn đề xuyên suốt, luôn được người dân và cộng đồng quan tâm, vì nó là tài sản quan trọng đối với người nghèo và cộng đồng nghèo.
Việc sửa đổi Luật Đất đai (năm 2003) rõ ràng là một bước đi quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. Oxfam đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam đề cao tính minh bạch và trách nhiệm. Đây là cơ hội để người dân và các tổ chức xã hội đóng góp ý kiến.
Vì vậy, Oxfam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, tổ chức đoàn thể, và tổ chức phi chính phủ Việt Nam hỗ trợ hoạt động tham vấn cộng đồng nhằm thu thập kinh nghiệm, phản hồi và khuyến nghị từ người nông dân sản xuất quy mô nhỏ, người nghèo và các nhóm yếu thế, nữ chủ hộ và nhóm dân tộc thiểu số.
Xin cảm ơn bà!
Hoàng Sơn (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.