Sau khi làm việc với Phó Thủ tướng, Sở Y tế Cần Thơ sẽ có báo cáo cụ thể phương án giải quyết các vướng mắc của dự án gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan.
Theo ông Cường, trước đó, UBND TP.Cần Thơ có đề xuất Thủ tướng xin ngừng sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hungary, thanh toán phần đã vay, xác định khối lượng đã thực hiện, quyết toán cho các nhà thầu.
Sau đó, xin vốn Trung ương, vốn đối ứng địa phương khoảng 300 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các công việc còn lại, sớm hoàn thành dự án. Tuy nhiên, theo ông Cường, Thủ tướng Chính phủ chưa đồng thuận theo đề xuất và giao cho Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp tục theo dõi.
Ông Cường nhấn mạnh, Sở Y tế đã nhiều lần báo cáo UBND thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.
Ông Cường cho biết, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều) có quy mô 500 giường, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017.
Bệnh viện có quy mô 500 giường, với tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hungary tương đương hơn 1.390 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.Cần Thơ.
Dự án thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC. Tuy nhiên, đến nay, tức đã hơn 5 năm, tổng giá trị khối lượng liên danh nhà thầu đã thực hiện chỉ tương đương khoảng 21,3% tổng giá trị khối lượng hợp đồng Tổng thầu EPC.
Trong khi đó, hợp đồng Tổng thầu EPC đã hết hiệu lực vào ngày 10/7/2022. Và Hiệp định vay của dự án đã được ký kết (lần 2) giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary cũng đã hết hiệu lực vào ngày 11/7/2022.
Theo ý kiến của Bộ Tài chính cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tiếp tục triển khai thực hiện dự án, TP.Cần Thơ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng mới để thực hiện khối lượng công việc còn lại theo quy định của pháp luật.
Dựa theo ý kiến của 2 bộ trên, Sở Y tế đã yêu cầu phía nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát rà soát thống nhất xác định khối lượng đã thực hiện để làm cơ sở để thực hiện thanh lý hợp đồng. Đồng thời, xác định giá trị phần khối lượng công việc còn lại của gói thầu, tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Khó khăn nhất là thành viên Tổng thầu EPC trong quá trình thi công không tuân thủ hiệp định khung được ký kết, thành viên này cũng không bố trí nhân sự có thẩm quyền có mặt thường xuyên trong quá trình triển khai dự án.
Khi Sở Y tế Cần Thơ tổ chức họp và mời các bên liên quan tham dự để có hướng giải quyết thì nhà thầu, đơn vị tư vấn quản lý không dự, không phản hồi cho Sở.
Lãnh đạo Sở Y tế còn cho biết, hiện chưa thu hồi được vốn tạm ứng hợp đồng với phía nhà thầu. "Tổng tạm ứng cho các nhà thầu là 6,8 triệu Euro, hiện các nhà thầu còn nợ tạm ứng khoảng 3,8 triệu Euro. Chúng tôi liên tục làm các thủ tục để thu hồi khoản này nhưng chưa nhận được phản hồi" - ông Cường nói.
Trước tình hình trên, Sở Y tế đã kiến nghị UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu thủ tục pháp lý, phương án xử lý các khó khăn vướng mắc có liên quan.
Sở Y tế cũng kiến nghị UBND TP.Cần Thơ gửi văn bản đến Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary, đại sứ quán Hungary tại Việt Nam để trình bày những khó khăn, vướng mắc của dự án Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ. Đồng thời đề nghị có ý kiến về hiệp định vay mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.