Cần Thơ muốn làm cầu thứ 3 bắc qua sông Hậu

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 12/05/2023 21:22 PM (GMT+7)
Trên sông Hậu, TP.Cần Thơ đã có cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống (nối TP.Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp). Tuy nhiên, TP.Cần Thơ vẫn muốn làm thêm cây cầu thứ 3 bắt qua sông Hậu, đó là cầu Ô Môn.
Bình luận 0

Chiều nay 12/5, nguồn tin của phóng viên Dân Việt cho biết, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ vừa đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp cho ý kiến thống nhất về việc đầu tư cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu.

Cần Thơ muốn làm cầu thứ 3 bắc qua sông Hậu - Ảnh 1.

Cần Thơ muốn làm cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu. Ảnh chụp từ google map

Cụ thể là thống nhất trình Chính phủ giao cho Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư xây cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu từ nguồn vốn Trung ương, thời gian thực hiện từ 2023-2030.

Trước đó, tháng 2/2023, UBND TP.Cần Thơ đã đề xuất với Bộ KH&ĐT cùng Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận trình Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu. 

Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án hơn 9.187 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản 7.276 tỉ đồng, còn lại là vốn từ ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT có ý kiến chưa thống nhất đưa dự án cầu Ô Môn vào danh mục dự án tham gia chương trình DPO trình Chính phủ và sẽ được xem xét đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.

Về phía Bộ Tài chính góp ý rằng, việc xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu mang tính chất liên vùng, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

Từ ý kiến của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính, UBND TP.Cần Thơ đã đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp có ý kiến thống nhất việc đầu tư xây cầu Ô Môn sử dụng nguồn vốn Trung ương như đã nói trên.

Theo UBND TP.Cần Thơ, việc xây cầu thứ 3 bắt qua sông Hậu, tức xây cầu Ô Môn cùng với tuyến đường kết nối từ quận Ô Môn, huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và tuyến nối cầu Ô Môn với TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) sẽ hình thành một tuyến đường trục kết nối liên vùng.

Việc xây cầu Ô Môn đồng bộ với các tuyến đường kết nối nêu trên là hết sức cần thiết, cấp bách nhằm giải quyết vấn đề trực tiếp trước mắt là việc đi lại của nhân dân trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa được thuận tiện.

Đồng thời, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.

Chưa dừng lại ở đó, với việc hoàn chỉnh tuyến liên vùng Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp, việc xây cầu Ô Môn sẽ tạo tiền đề thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ với miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM.

Theo kế hoạch dự kiến, cầu Ô Môn có tổng chiều dài khoảng 5,4km, thiết kế có quy mô bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc 80km/giờ.

Cầu Ô Môn có điểm đầu giao với Quốc lộ 54, cách bến phà Phong Hòa - Ô Môn khoảng 2,7km về phía thượng nguồn sông Hậu (thuộc tỉnh Đồng Tháp). Điểm cuối giao với đường tỉnh 920 quy hoạch (thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem