Nhiều bệnh nguy hiểm sẽ "cùng học sinh trở lại" trong mùa tựu trường

Bạch Dương Thứ ba, ngày 05/09/2023 13:01 PM (GMT+7)
Các bác sĩ cảnh báo, thời điểm học sinh quay lại trường học bắt đầu năm học mới là giai đoạn trẻ dễ đối mặt với các bệnh như tay chân miệng, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ…
Bình luận 0
Cẩn trọng dịch bệnh mùa tựu trường - Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: B.D

Trong những dịch bệnh đang lưu hành, nhiều chuyên gia y tế lo ngại khi bệnh tay chân miệng đang bùng phát bởi đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn nếu vệ sinh không bảo đảm.

Đối tượng mắc tay chân miệng thường ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là dưới 3 tuổi. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-5, tháng 9-10. Trong môi trường sinh hoạt ở trường học, chỉ một trẻ bị tay chân miệng, những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Đáng lưu ý, từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng dương tính với chủng Enterovirus 71 (EV71), nhiều diễn biến nặng so với các năm trước. BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn ở mức cao. Tại bệnh viện, trung bình 1 ngày có 80-120 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện.

Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ; đặc biệt là trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh…

Các trường học ngay từ đầu năm học mới cần vệ sinh trường lớp, làm sạch bề mặt vật dụng và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ nước sạch; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch. Nhà trường cần tập huấn nhận biết các bệnh truyền nhiễm cho thầy cô, đặc biệt là khối lớp mầm non.

Khi trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu nặng để cho trẻ nhập viện; không bôi các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Nếu trẻ mắc các bệnh, cần cho nghỉ học để phòng tránh lây lan.

Ngoài bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cảnh báo số mắc và tử vong do sốt xuất huyết tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng ca bệnh có xu hướng tăng trong các tuần gần đây.

Tại TP.HCM, trong tuần 34 (từ 21-27/8), số ca bệnh sốt xuất huyết tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước với 377 trường hợp mắc bệnh. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là quận 1, 8, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Cẩn trọng dịch bệnh mùa tựu trường - Ảnh 3.

Số ca mắc tay chân miệng chững lại nhưng vẫn có nguy cơ bùng dịch khi trẻ đi học. Ảnh: B.D

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý, khi trẻ được chẩn đoán sốt xuất huyết, nếu điều trị ngoại trú, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mỗi ngày để kịp thời đánh giá, theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng.

"Nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu đau bụng, nôn ói, lừ đừ, bứt rứt, thay đổi tính tình, chảy máu niêm mạc bất thường, đi cầu ra máu... thì cần đến bệnh viện khám ngay. Riêng những trường hợp mắc bệnh nền như suy gan, thận, tim mạch thì cần nhập viện điều trị nội trú khi mắc sốt xuất huyết", bác sĩ Tuấn cảnh báo.

Thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM đã tăng cường giám sát những hoạt động phòng chống tay chân miệng tại cộng đồng, trường học và nhóm trẻ trên địa bàn... Sở cũng tham mưu UBND TP.HCM gửi tin nhắn cho từng người dân về phòng chống bệnh tay chân miệng...

Đồng thời, Sở Y tế sẽ tiếp tục duy trì hoạt động giao ban trực tuyến định kỳ hằng tuần với các tỉnh, thành phố phía Nam về công tác thu dung và điều trị bệnh tay chân miệng để cập nhật, đánh giá tình hình dịch bệnh trên toàn khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem