Cần xóa bỏ đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước

Thứ năm, ngày 23/09/2010 20:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để đất nước phát triển bền vững, cần phải cải tổ mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn lớn, và đó cũng là một phần trong chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế.
Bình luận 0

Đó là một trong những vấn đề chính được đặt ra tại hội thảo “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2010, triển vọng 2011” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 22-9 tại TP.HCM. 

img
Các tập đoàn kinh tế vẫn chưa giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế

Kém hiệu quả

TS Nguyễn Quang A - chuyên gia kinh tế nhận định, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện có rất nhiều ưu đãi. Nhưng nếu so sánh giữa khu vực tư nhân và DNNN thì hiệu quả sử dụng nguồn vốn, giải quyết công ăn việc làm, sử dụng công nghệ của khu vực kinh tế tư nhân phát triển cao hơn.

TS Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị xóa bỏ chế độ, hình thức cho vay, cấp tín dụng cho DNNN theo chỉ đạo, theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Chẳng hạn, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ lệ cao (trên dưới một nửa) trong tổng đầu tư xã hội, nhưng tỷ lệ đóng góp vào thu nhập quốc dân (GDP) chỉ ở mức 37-39%, và tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% tổng số lao động; tỉ lệ tăng về sản lượng và năng suất của khu vực kinh tế tư nhân luôn nhanh hơn khu vực kinh tế nhà nước 10 -14%/năm.

Do đó, có thể thấy, khu vực kinh tế quốc doanh chưa thật sự đảm nhiệm được vai trò chủ đạo, vì nhìn chung kém hiệu quả hơn các khu vực khác; vẫn còn dựa dẫm, ỷ lại vào các chính sách ưu đãi của nhà nước dưới nhiều hình thức.

Theo TS Võ Đại Lược (Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), trên thế giới không có nền kinh tế thị trường nào xem doanh nghiệp quốc doanh là chủ đạo, chỉ có Việt Nam có quan điểm này. Theo chuyên gia này, DNNN hiện quản lý nhiều tài nguyên, đất đai nhưng đóng góp vào nền kinh tế thấp. Sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng lạm phát.

TS Lê Đăng Doanh có cách nhìn khác về DNNN khi cho rằng, cần phải xem sự thua lỗ của DNNN chính là sự mất uy tín và lòng tin với người dân. Hiện nay, việc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo DNNN là không công khai, minh bạch, không theo quy trình rõ ràng, không có một tiêu chí cụ thể nào.

Cần cải tổ mạnh mẽ

Các chuyên gia kinh tế có chung nhận định: Để nền kinh tế tăng trưởng ổn định, cần phải cải tổ mạnh mẽ DNNN. TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, DNNN sẽ không tham gia toàn bộ chuỗi giá trị kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể lớn mạnh, thậm chí lấn át khu vực kinh tế nhà nước là chuyện rất bình thường. Nếu khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh thì nhà nước nên rút lui để đóng vai trò lớn hơn về các mặt xã hội.

TS Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị xóa bỏ chế độ, hình thức cho vay, cấp tín dụng cho DNNN theo chỉ đạo, theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nghĩa là, cũng như các doanh nghiệp khác, việc tiếp cận các nguồn tín dụng của DNNN phải dựa trên tình hình tài chính lành mạnh, dự án đầu tư tốt… Chính phủ không nên cho khoanh nợ, giãn nợ mà doanh nghiệp tự vay, tự trả. Chính phủ cũng nên mở cửa thị trường trong những ngành kinh tế còn đặc quyền của nhà nước, phải xem xét lại tận gốc rễ vai trò của DNNN để đẩy nhanh việc cải tổ chúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem