CPI trong nước có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu căng thẳng Mỹ - Iran leo thang (Ảnh: IT)
Mở phiên giao dịch hôm nay 9/1, trên thị trường thế giới, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại New York giao tháng 2/2020 đã giảm 3,09 USD xuống 59,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại London giao tháng 3/2020 giảm 2,83 USD xuống 65,44 USD/thùng. Đây là một tín hiệu tích cực phản ánh tình hình căng thẳng khu vực Trung Đông có dấu hiệu hạ nhiệt, tất nhiên một phần cũng là do tồn kho tại Mỹ tăng, khiến giá dầu “bốc hơi” 4% như trên. Tuy nhiên, giới chuyên gia tiếp tục cảnh báo nên theo sát tình hình Trung Đông.
Giai đoạn vài tuần tới sẽ là “thời điểm quan trọng” để quan sát xem liệu những sự kiện địa chính trị đơn lẻ tiếp theo có tiếp tục dẫn đến đà tăng giá dầu đột biến không, hay liệu những đáp trả của Iran và phản ứng của Mỹ có đẩy thị trường hàng hóa vào một chuỗi biến động trong dài hạn hay không?.
Theo một chuyên gia phân tích từ Công ty CP Chứng khoán SSI, nếu diễn biến giữa hai nước căng thẳng và phức tạp hơn, các cơ quan quản lý Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ biến động trên thị trường để có những điều chỉnh thích hợp, tránh bị động trong mọi tình huống. “Tác động từ căng thẳng không chỉ ở vòng ngoài là giá dầu mà còn ảnh hưởng đến hàng loạt sản phẩm khác như phân bón, sản phẩm của ngành năng lượng, thậm chí cả tiền tệ và tỉ giá… Cơ quan có nhiệm vụ quan trọng trong việc theo dõi và tham mưu ứng phó kịp thời chính là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước”, vị này nói.
Ở tầm vĩ mô, chuyên gia này nhìn nhận căng thẳng tại Trung Đông không ảnh hưởng trực tiếp đến những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, nên nhiều khả năng mục tiêu xuất khẩu trong năm 2020 sẽ hoàn thành. Như vậy, việc phải điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô có thể chưa cần nghĩ đến bởi xuất khẩu là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế vẫn có khả năng giữ được phong độ ổn định.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh leo thang căng thẳng, Việt Nam cũng phải chuẩn bị tinh thần trước nguy cơ đường vận tải qua Trung Đông bị đình trệ, giao thương với khu vực này và qua khu vực này đến các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng”, vị này bổ sung thêm.
Trong khi đó, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, thì khẳng định: “Nếu Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu chứ không chỉ riêng gì Việt Nam. Iran chủ yếu sống nhờ mỏ dầu, khi trữ lượng dầu có vấn đề thì giá dầu sẽ bị đẩy tăng lên khiến kinh phí các nước sẽ xảy ra vấn đề. Ngay tại Việt Nam, phần lớn các nguồn sản xuất kinh doanh đều phụ thuộc vào dầu, dầu là nguyên liệu chủ yếu nên khi tăng lên sẽ làm cho giá cả hàng hóa, các mặt hàng đều tăng. Khi giá cả hàng hóa tăng thì chắc chắn lạm phát tăng, lãi suất tăng, xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Nói chung là tất cả các chỉ số vĩ mô đều sẽ bị ảnh hưởng”.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, tại một hội thảo do Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức mới đây, đã nhấn mạnh: Vấn đề là chưa thể xác định được mức độ leo thang căng thẳng của Mỹ và Iran sẽ đến đâu. Do đó, sẽ có nhiều yếu tố bất định, khó lường ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam.
"Giá dầu bị tác động đầu tiên và trực tiếp nhưng cũng rất khó đoán diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường đang diễn biến theo chiều hướng xấu và với một quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế lớn như Việt Nam thì tác động lại càng lớn. Nên nhớ, tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, đầu tư và kinh tế chung của thế giới. Khi tăng trưởng của thế giới đang giảm tốc, cộng với tác động từ những bất ổn chính trị, rõ ràng nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát sẽ là áp lực nặng nề với Chính phủ”, TS. Võ Trí Thành, nhận xét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.