Căng thẳng trên bán đảo liên Triều: Vừa đoàn tụ, vừa... đụng độ

Đức Hoàng (tổng hợp) Thứ hai, ngày 26/10/2015 06:26 AM (GMT+7)
Trong khi những cuộc đoàn tụ của các gia đình ly tán ở hai miền Triều Tiên đang diễn ra sau 60 năm, gợi mở những ý tưởng tốt đẹp về sự hòa hợp, gắn bó, thì những xung đột khác về biên giới, lãnh thổ lại xảy ra cùng lúc khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên căng thẳng...
Bình luận 0

“Gặp nhau lần nào cũng vội”

 Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, một nhóm gồm khoảng 250 công dân nước này thuộc 90 gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) sáng  24.10 đã rời thị trấn Sốc - chô, gần biên giới giữa hai miền Triều Tiên, lên đường sang miền Bắc để gặp người thân tại khu nghỉ dưỡng trên núi Kưm - gang thuộc bờ biển phía Đông của Triều Tiên. Đây là cuộc đoàn tụ gia đình thứ hai, diễn ra sau lần thứ nhất kéo dài 3 ngày kết thúc ngày 22.10 vừa qua cũng tại địa điểm trên với sự tham gia của gần 400 người Hàn Quốc thuộc 96 gia đình. Cả hai sự kiện này đều thuộc đợt đoàn tụ gia đình trực tiếp lần thứ 20 được thực hiện giữa hai miền Triều Tiên, và cũng là đợt đầu tiên kể từ tháng 2.2014.

img

Bà Kim Wol-soon (93 tuổi), khóc ngất vì xúc động khi được gặp lại người em trai 72 tuổi. Ảnh: koreaherald

Yonhap của Hàn Quốc đưa tin một số người phải ngồi trên xe lăn hoặc xe cứu thương do tuổi cao, sức yếu. Người già nhất trong số này là ông Koo Sang-yeon (98 tuổi), sang gặp lại hai người con gái 71 tuổi và 68 tuổi. Cảnh tượng xúc động của các cuộc hội ngộ giữa những gia đình ly tán này được giới truyền thông Hàn Quốc miêu tả đã thực sự ám ảnh dư luận.

 Bà Kim Kum Sun và người anh em ở CHDCND Triều Tiên được nhìn thấy nhau lần cuối vào năm 1951. Trong lần gặp lại mới đây, họ chỉ có 12 giờ đồng hồ để hội ngộ, sau hơn 60 năm xa cách. Có thể nói đây là những người may mắn trong số hơn 65.000 người Hàn Quốc đăng ký. Tuy nhiên, được hội ngộ không hẳn đã là hạnh phúc. Các cuộc hội ngộ về nguyên tắc kéo dài trong 3 ngày, nhưng trên thực tế, hai bên chỉ được gặp nhau 6 lần, mỗi lần 2 tiếng. Và trong những lần gặp đó, hai bên chỉ được gặp riêng một lần mà không bị giám sát.

Trong bối cảnh cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán ở hai miền Triều Tiên đang diễn ra, dư luận đặt câu hỏi tại sao các cuộc đoàn tụ này lại khó khăn và nhiều nước mắt như vậy. Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã qua đi hơn 6 thập kỷ qua, vẫn còn hàng chục nghìn người ở Triều Tiên và Hàn Quốc phải sống trong khắc khoải chờ đợi đến lượt mình có cơ may được gặp người thân ở biên kia biên giới.

 Kể từ năm 2000, sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử liên Triều, chính quyền Bình Nhưỡng cho phép một số người Triều Tiên được gặp lại thân nhân sống tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều cuộc tái ngộ đã bị Bình Nhưỡng hủy bỏ vào phút cuối, và cuộc hội ngộ chỉ được tổ chức với nhịp độ hàng năm và có xu hướng ngày càng thưa hơn.

Mặc cả

Giới chức Hàn Quốc luôn thúc giục tổ chức thêm nhiều hơn nữa những cuộc đoàn tụ, như là cách để làm dịu tình trạng căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên và cải thiện mối quan hệ liên Triều. Hiện ở Hàn Quốc có hơn 66.000 người thuộc các gia đình bị ly tán do chiến tranh. Đoàn tụ gia đình đã trở thành một trong những vấn đề nhân đạo cấp bách nhất trên Bán đảo Triều Tiên do những người còn sống thuộc nhóm đối tượng này hiện đã ở độ tuổi 80 hoặc già hơn.

Tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 70 vừa kết thúc hồi tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong nhấn mạnh cần khẩn cấp ký kết một hiệp định hòa bình thay thế cho Hiệp định Đình chiến sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Đầu tháng 10.2015, Bình Nhưỡng đã nhắc lại lời kêu gọi ký hiệp định hòa bình với Mỹ, cho rằng một hiệp định như vậy sẽ giúp kiểm soát căng thẳng và xây dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington cho biết sẽ không xem xét lời kêu gọi trên của Triều Tiên chừng nào nước này chưa từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, diễn biến mới và bất ngờ nhất là ngày 25.10, quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã bắn 5 phát đạn cảnh cáo về phía một tàu tuần tiễu của Triều Tiên khi chiếc tàu này đi vào hải phận của Hàn Quốc một ngày trước đó. Yonhap dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết, tàu Triều Tiên rút lui khoảng 8 phút sau vụ nổ súng, không có thương vong nào được ghi nhận.

Phát ngôn viên từ Ủy ban Thống nhất Triều Tiên cáo buộc: "Hàn Quốc đã tiến hành một hành động khiêu khích quân sự chống lại tàu tuần tra của chúng tôi. Tàu này đang thực hiện nhiệm vụ trong vùng biển của chúng tôi”.

Hiện chưa có phản ứng từ Seoul với những cáo buộc của Bình Nhưỡng, nhưng trước đó, Seoul luôn bày tỏ thái độ cứng rắn đối với những “hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải” của nước này.

Hôm nay (26.10), các cuộc đoàn tụ đầu tiên của những gia đình ly tán ở hai miền Triều Tiên trong vòng 60 năm qua với sự tham gia của hàng trăm thành viên gia đình ly tán người Hàn Quốc sẽ kết thúc.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem