Càng xem càng thương “Giọng hát Việt nhí”

Lê Tâm Thứ hai, ngày 29/09/2014 07:05 AM (GMT+7)
Xem xong bán kết Giọng hát Việt nhí, khán giả thấy mình già đi vài chục tuổi và thương cho 6 thí sinh phải “đánh vật” với những ca khúc người lớn. Chúng ta được gì từ những phần trình diễn ấy?
Bình luận 0

Đau khổ và vật vã

Tối 27.9, VTV3 truyền hình trực tiếp vòng bán kết Cuộc thi Giọng hát Việt nhí, từ 6 thí sinh của 3 đội chọn lấy 3 em xuất sắc nhất vào chung kết. Đã vào đến vòng này, các em quả thật không còn ngây thơ nữa nhưng cả 6 tiết mục trình diễn đều cho khán giả một cảm giác khá băn khoăn: Đối tượng khán giả chương trình đang hướng tới là ai? Chúng ta sẽ được gì từ những tiết mục như vậy?

Trần Linh Nhi mở màn với “Ngọn lửa cao nguyên”. Trong trang phục rực đỏ, tiếng hát khỏe khoắn và gương mặt măng tơ, em khiến khán giả cố mấy cũng không tìm ra được mối liên quan giữa cô bé đang tuổi đội viên đó với những câu hát: “Nhớ lời nói lửa cháy rượu đắng ngày nào” và “Còn yêu anh em còn thương anh mãi người ơi”...

Tiếp ngay sau đó, Lê Thanh Huyền Trân xuất hiện, sân khấu trở nên âm u, kỳ bí để minh họa cho ca khúc “Như cánh vạc bay” của em. Rồi khán giả rơi vào trạng thái cảm xúc có phần nặng nề, u buồn khi cô bé mười mấy tuổi đầu nức nở cất tiếng ca: “Lá khô vì đợi chờ, cũng như đời người mãi âm u”.

Mai Chí Công của đội Cẩm Ly đêm thi bán kết còn phải đứng trên một cái bục rất cao để em không bị lọt thỏm giữa nhóm bè. Em được mặc veston cho ra dáng người lớn, và cất tiếng hát hào hùng: “Sông mênh mông như bát ngát hát. Thây giặc trôi trở về ngập bờ, sông gầm vang tiếng súng trái phá, bao rừng thu như bát ngát người…”. Tràn ngập bài trường ca “Sông Lô” này là những “căm hờn”, “xác thù”, “mồ thực dân”, “tranh đấu gào kêu”… và bài hát khá dài, nhưng Chí Công vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Em hát lão luyện, chững chạc chẳng khác gì một nghệ sĩ nhiều năm kinh nghiệm.

Khi nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trường ca “Sông Lô”, có lẽ ông không bao giờ nghĩ mình đang viết nhạc cho một chú bé 12 tuổi, bởi thế chẳng hiểu huấn luyện viên Cẩm Ly và giám đốc âm nhạc Lưu Thiên Hương nghĩ gì khi bắt em phải khoác lên mình một chiếc áo đại cán dành cho ca sĩ tuổi trung niên ít nhất đã kinh qua thời chiến tranh như vậy?

Thiên Nhâm hát “Bà mẹ quê” (tin bên lề là trước đó, ca khúc em “được” chọn là “Đà Lạt hoàng hôn” với những câu hát như “Nhặt hoa thấy lòng buồn không bến bờ...”). Thiện Nhân hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. Hoàng Anh tóc xù hát “Ngựa ô thương nhớ” và đã phải tự ý bỏ qua một vài từ “nhạy cảm” mà em nghĩ rằng không phù hợp với lứa tuổi của mình trong câu: “Có con ngựa dừng chân, có hai người yêu nhau”.

Gánh gồng toan tính

Không phải đến đêm bán kết thì tình trạng “già hóa” thí sinh này mới diễn ra, rất nhiều đêm thi trước cũng vậy, có khán giả còn nói đùa rằng đây là “Tiếng hát mãi xanh” (cuộc thi hát cho người cao tuổi) phiên bản nhí.

Tổ chức một cuộc thi cho các em, các em hát, các em xem, nhưng rõ ràng đối tượng hướng đến không phải lứa tuổi thiếu nhi mà chính là “khán giả người lớn”, phải chăng vì Ban tổ chức nắm bắt được tâm lý: Hóa ra người lớn mới cay cú ăn thua và người lớn mới là thành phần nhắn tin bình chọn nhiều nhất, trẻ em lấy đâu tiền mà nhắn tin.

Chính vì muốn hấp dẫn và lôi kéo khán giả lớn tuổi nên đương nhiên các em phải hát những ca khúc người lớn, cho dù những buồn thảm, sầu não, yêu đương đó chẳng có chút liên quan gì đến các em. Thật tội nghiệp khi nhìn thấy những cô bé cậu bé hồn nhiên tươi xinh như những đóa hoa nhưng buộc phải đóng các vai quá tuổi của mình, các em đã bị biến thành “thợ hát” không hơn không kém.

Tất nhiên Ban tổ chức, huấn luyện viên sẽ đưa ra lý do: Ca khúc thiếu nhi hiện nay đang quá thiếu nên chúng tôi buộc phải chọn bài cho các em như vậy. Để nói một cách công bằng thì cũng phải thừa nhận chính Giọng hát Việt nhí đã khởi xướng một cuộc thi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi ở mùa đầu tiên, nhưng thất bại vì không nhận được ca khúc dự thi. Tuy nhiên dù ca khúc thiếu nhi có ít thì cũng không phải không thể tìm được một bài hát nào cho phù hợp với lứa tuổi các em, chẳng qua là người lớn muốn kéo các em vào gồng gánh những toan tính của mình.

Cô bé hát nhạc Trịnh, tại sao không thể hát “Sơn ca trong thành phố” hay “Em là mùa xuân của mẹ” đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết riêng cho thiếu nhi? Mai Chí Công hay Hoàng Anh, nếu chịu khó tìm tòi thì cũng chẳng thiếu gì những ca khúc phù hợp với tuổi của các em- những cậu bé còn ở tuổi chơi bi, đánh khăng? Chỉ có điều, khi các em hát nhạc thiếu nhi thì sẽ không có tý “ép- phê” gì với khán giả người lớn.

Đêm chung kết đang ở trước mặt 3 thí sinh Thiên Nhâm, Thiện Nhân và Hoàng Anh. Chờ xem các em  tiếp tục bị “già hóa” đến mức nào (?!).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem