“Đường phố bị ngập lụt sau cơn bão Sandy tại bang Florida (Mỹ) cho thấy thiệt hại có thể xảy ra ở các khu vực ven biển dễ bị tác động. Chúng ta nên lập kế hoạch cho sự rút lui không thể tránh khỏi cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương như vậy ngay bây giờ” - các nhà khoa học lập luận (Ảnh từ Livescience)
Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học môi trường, sẽ có ít nhất 1 tỷ người dự kiến bị buộc phải rời khỏi nơi ở cũ vì hạn hán, lũ lụt, hỏa hoạn và nạn đói liên quan đến biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Cuộc di cư khổng lồ này xảy ra trên toàn thế giới và có thể diễn ra theo một trong hai cách: Có thể đó sẽ là một cuộc hành trình hỗn loạn và người nghèo sẽ là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Hoặc, cuộc di tản trên sẽ là con đường để dẫn đến một thế giới công bằng hơn, bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Trong bài viết mới nhất, được công bố trên tạp chí Science, bộ ba nhà khoa học môi trường: AR Siders, Miyuki Hino và Katharine cho rằng cách duy nhất để tránh khỏi kịch bản đầu tiên, là bắt đầu lập kế hoạch ngay bây giờ cho việc "rút lui" không thể tránh khỏi của người dân tại các thành phố ven biển. Các nhà khoa học nói:
“Đối mặt với sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao và các hiện tượng tiêu cực liên quan đến biến đổi khí hậu, câu hỏi đặt ra hiện nay không phải là liệu một số cộng đồng dân cư có chấp nhận di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hay không? Mà là tại sao họ phải làm như thế? Thực hiện việc di tản ở những đâu, thực hiện khi nào và bằng cách thức như thế nào? ”
Thay vì xử lý những cuộc di cư bắt buộc này một cách thụ động, trên cơ sở phản ứng lại thảm họa như nhiều cuộc sơ tán khẩn cấp hiện nay. Những nhà nghiên cứu đã đề xuất những phương án tiếp cận theo hướng "có quản lý và chiến lược" nhằm đối mặt với vấn đề này. Các nhà khoa học khuyến cáo chính phủ các nước, đặc biệt là các nước ven biển, cần thiết lập chính sách, cơ sở hạ tầng ngay bây giờ. Cần có những cơ chế để giúp đỡ những cộng đồng dân cư sống trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng chuyển đến nơi ở mới, tránh khỏi nguy hại càng sớm càng tốt.
Cần hạn chế phát triển bất động sản ở các khu vực có nguy cơ lớn (như các thành phố ven biển) và thay vào đó là tập trung đầu tư vào việc xây dựng các khu đô thị, nhà ở giá rẻ, trong vùng nội địa an toàn hơn. Cần tổ chức những cuộc đối thoại giữa những người dân trong khu vực bị tác động với chính phủ, những nhà đầu tư tài chính, để họ thấy được nguy cơ và chấp nhận phương án di chuyển.
Các nhà nghiên cứu còn cho rằng việc rút người dân khỏi những vùng ven biển, có thể là một cơ hội để tái xây dựng các cộng đồng dân cư một cách hợp lý và phân phối lại tài nguyên, tư liệu sản xuất và của cải xã hội một cách bền vững hơn.
Thay vì thực hiện các biện pháp như: Đầu tư cải thiện một cách muộn màng và chậm chạp cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống đê biển mới để che chắn cho các khu vực đã bị bão phá hủy và bỏ hoang trước đó…Thì chúng ta nên hạn chế các dự án bất động sản khuyến khích người dân vào sống trong các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tài trợ xây dựng cho các trường học mới, bệnh viện và nhà ở giá rẻ ở những khu nội địa an toàn hơn.
Các nhà khoa học cũng đưa ra đề xuất cho chính phủ Bangladesh – một trong những quốc gia ven biển bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng nước biển dâng, nên tập trung đầu tư vào những thành phố ở sâu hơn trong nội địa. Cung cấp cơ sở hạ tầng, cùng với các cơ hội việc làm và giáo dục, nhằm thu hút các thế hệ người dân kế tiếp rời khỏi khu bờ biển thấp.
Mặc dù việc sơ tán quy mô lớn các cộng đồng dễ bị khí hậu tác động có thể không xảy ra trong một thập kỷ tới, nhưng cách duy nhất để chuẩn bị cho thách thức toàn cầu chưa từng có này là bắt đầu lập kế hoạch ngay từ bây giờ.
“Rời khỏi nơi sinh sống không bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, với đủ nghiên cứu, đầu tư và tư duy chiến lược, ít nhất điều đó sẽ không phải là thảm họa” – các nhà khoa học nói.
Từ trường bắt nguồn từ sâu trong lòng Trái đất đang có dấu hiệu lạ, có thể báo hiệu sự đảo chiều mà không ai mong...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.