Cảnh báo cho TP.HCM từ trận lụt Bangkok

Thứ hai, ngày 07/11/2011 15:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trò chuyện với Dân Việt, TS Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục môi trường và Phát triển - khẳng định: “Bangkok hôm nay chính là hình ảnh của TP.HCM ngày mai”.
Bình luận 0

Thưa TS, giữa Bangkok với Hà Nội và đặc biệt là TP.HCM có nhiều điểm tương đồng về mặt địa lý. Bài học nhãn tiền ở Bangkok ngày hôm nay đặt ra cho chúng ta điều gì đáng suy nghĩ?

- Bangkok, Phnompenh, TP.HCM được đánh giá là những thành phố tương đối giống nhau về mặt địa lý, cũng là những thành phố gần biển, đều nằm ở vùng thấp (hạ lưu), độ cao so với mực nước biển không quá từ 1 – 3m nên thường xuyên phải chịu những rủi ro rất lớn về thiên tai, đặc biệt là lũ lụt.

img
Triều cường ở TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng tăng.

Lượng mưa lớn nhất trong vòng nửa thế kỷ qua, rồi bão đổ dồn vào trong 3 tháng vừa qua đã khiến hệ thống hồ điều hòa quá tải. Trong khi đó, Bangkok cách biển có 20km, lại nằm ở vùng trũng nên trở thành rốn nước là điều dễ hiểu.

img
 TS Nguyễn Hữu Ninh

Bài học đầu tiên mà chúng ta có thể rút ra được là Bangkok trong quá trình đô thị hóa quá nhanh đã bị mất cân bằng về sinh thái. Các hồ điều hòa đều bị lấp để trở thành khu dân cư, cụm công nghiệp. Ngày xưa, Bangkok được ví như Venice của châu Á, giờ thì bê tông hóa tràn lan.

Chưa kể Bangkok khai thác nước ngầm ngay dưới chân mình làm nền đất của thành phố bị lún xuống, mỗi năm trung bình lún 5cm. Nước biển lại ngày càng dâng cao. Việc xảy ra với Bangkok không có gì là bất thường vì nó đương nhiên phải như thế và trong tương lai, điều này vẫn có thể lặp lại.

Như vậy, rõ ràng người ta có thể đoán trước được những gì đang xảy ra với Bangkok từ cách đây nhiều năm và cũng có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra với TP.HCM thời gian tới đây?

- Đúng vậy, các nhà khoa học Thái Lan đã có thể dự đoán điều này từ cách đây 10 – 15 năm rồi. Điều này không khó. Nhưng rồi Bangkok vẫn tiếp tục khai thác nước ngầm, vẫn đô thị hóa tưng bừng. Và TP.HCM cũng thế, chúng ta đã dự đoán được, nhưng thành phố vẫn cứ phát triển về phía biển.

Với tư cách là người nghiên cứu khoa học, chúng tôi chỉ đưa ra những kịch bản, tính toán để cảnh báo, nói chuyện được mất. Còn việc quyết định nghe hay không là việc của người cầm quyền.

Có thể khẳng định, Bangkok điêu đứng, ngập trong lũ lụt ngày hôm nay chính là hình ảnh của TP.HCM ngày mai. Triều cường ở TP.HCM trước chỉ có 1,3m, giờ đã lên tới 1,57m. Mà triều cường chỉ có tăng, không thể giảm.

Nếu TP.HCM không có quy hoạch đô thị lại một cách bài bản, xem xét lại hệ thống thủy lợi, hồ điều hòa, định hướng lại phát triển thì trong 10 – 15 năm nữa, chuyện giống như Bangkok sẽ tất yếu xảy ra, không thể khác. Tất cả các giải pháp tổng thể phải được định hình ngay từ bây giờ để lúc đó anh không lâm vào thế bất ngờ.

Nói về chuyện quy hoạch đô thị, dường như chúng ta bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ”, thành ra quy hoạch đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều manh mún, thiếu khoa học, đặc biệt là không có sự kế thừa, xuyên suốt qua các đời lãnh đạo?

- Ai cũng thấy quy hoạch đô thị của Hà Nội và TP.HCM hiện có rất nhiều vấn đề bất cập và hai thành phố phải xem xét hết sức nghiêm túc vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ, không phải do vấn đề “tư duy nhiệm kỳ” như anh nói mà ở đây, cái đáng nói là tầm lãnh đạo.

Có thể, người ta chỉ cần lãnh đạo 1 – 2 năm chứ không hết nhiệm kỳ, nhưng lại tạo ra được tầm ảnh hưởng lớn và có thể đưa ra được những hoạch định chiến lược cho cả một chặng đường dài mấy chục năm sau để những người đi sau có thể kế thừa, phát huy hiệu quả.

Ông cũng đã từng cảnh báo nếu chúng ta vẫn còn thờ ơ trước vấn đề biến đổi khí hậu thì chỉ 20 – 30 năm nữa, VN sẽ đối mặt với tình trạng khủng hoảng về an ninh lương thực?

- Rõ ràng là vậy. VN có hai khu vực miền đồng bằng thấp, trong đó vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có độ cao khoảng 1 – 3m, rất nhạy cảm với BĐKH. Nước biển vẫn cứ ngày một dâng cao và nó là một xu thế tất yếu, trong khi chúng ta không có những biện pháp kịp thời thì chỉ 20 – 30 năm nữa, đất nhiễm mặn nhiều hơn, đất trồng lúa giảm, sản lượng lúa giảm tới 40- 50% là điều hiển hiện.

img Chúng ta đang đi cùng trên một con thuyền. Không có kẻ thắng, người thua, chỉ có thể cùng nổi hoặc cùng chìm. Không có hành tinh nào khác để di tản và không bao giờ có phương án 2. img

TS Nguyễn Hữu Ninh

Vì vậy, ngay từ giờ, phải có những biện pháp ngay tức thì như thay đổi cách thức canh tác truyền thống để phù hợp với điều kiện mới, có cơ cấu cây trồng phù hợp, có những giống cây mới có khả năng chịu mặn,chịu ngập tốt hơn... Quá trình phát triển của quả đất là phải luôn thay đổi để thích nghi, không thích nghi thì anh tự đào thải!

Ông đã từng nói, cái yếu nhất trong công tác chống biến đổi khí hậu của ta là còn thiếu quyết tâm chính trị ?

- Biến đổi khí hậu không thuần túy là khoa học mà nó còn là vấn đề về kinh tế, chính trị, vì vậy tất cả phải cùng quyết tâm mà làm. Nhà khoa học chỉ đưa ra những cảnh báo quan trọng. Các nhà khoa học như tôi đều thấy trước được bức tranh biến đổi khí hậu của VN và thế giới trong tương lai không phải là một bức tranh sáng sủa. Tôi khẳng định, xu thế nó là như vậy. Anh chỉ có thể thích nghi với xu thế chứ không cưỡng được xu thế.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem