Cảnh báo: Cứ 4 người có 1 người tăng huyết áp

Bạch Dương Thứ tư, ngày 17/05/2023 16:03 PM (GMT+7)
Tăng huyết áp hiện là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Nhưng có đến 50% người bệnh không biết mình tăng huyết áp.
Bình luận 0
Cảnh báo: Cứ 4 người có 1 người tăng huyết áp - Ảnh 1.

Bác sĩ đang kiểm tra tim mạch người bệnh. Ảnh: BVCC

Tại Hội nghị Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch 2023 vừa được tổ chức TS.BS. Trần Hòa – Phó trưởng khoa Tim mach can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, có khoảng 20-25% dân số thế giới và Việt Nam mắc tăng huyết áp. Theo đó, cứ 4-5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp.

Tuy nhiên, các số liệu cho thấy có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, phần lớn người bệnh không tuân thủ điều trị vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…

Một vấn đề đáng lo ngại đó là người được chẩn đoán mắc tăng huyết áp nhưng chưa tuân thủ điều trị cũng chiếm đến 50%. Đặc biệt trong việc điều trị bằng thuốc, người bệnh thường quên uống thuốc, chưa phối hợp thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ hoặc uống thuốc không đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.

Theo TS.BS. Trần Hòa, hiện nay, nhiều người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc 1 lần mỗi ngày, trong cùng 1 viên thuốc có kết hợp nhiều công dụng giúp kiểm soát huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ gây biến cố tim mạch. Để kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn, người bệnh cần tuân thủ điều trị lâu dài theo đúng chỉ định của bác sĩ, cần tái khám ngay nếu huyết áp không ổn định.

Bên cạnh việc dùng thuốc để hạ huyết áp, TS BS. Trần Hòa lưu ý người bệnh phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị không dùng thuốc nhưng rất quan trọng, gồm ăn nhạt và hạn chế tối đa lượng muối trong khẩu phần ăn, ăn trái cây hoa quả bổ sung lượng kali, giảm cân nếu thừa cân, tập luyện thể dục thường xuyên và mỗi ngày, tránh stress, giảm sử dụng đồ uống có cồn.

img

Các bác sĩ tham gia chương trình "Đi bộ vì trái tim khoẻ". Ảnh: BVCC

Nhân Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5, hơn 300 y bác sĩ chuyên ngành tim mạch trên cả nước đã tham gia chương trình "Đi bộ vì trái tim khoẻ" lần thứ 2 với thông điệp: "Hãy nhớ huyết áp như nhớ tuổi của bạn", khuyến khích người dân chủ động theo dõi huyết áp, phòng chống tăng huyết áp cũng như phòng ngừa các biến cố tim mạch do tăng huyết áp gây ra.

Hiện nay, tăng huyết áp thường được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu nhưng lại làm tổn thương mạch máu một cách từ từ và lâu dài. Tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác như: phì đại cơ tim, suy tim, xuất huyết đáy mắt, suy thận và các bệnh động mạch chủ…

Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch là rất quan trọng. Mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Chỉ cần một trong 2 trị số: huyết áp tâm thu (số trên) từ 140mmHg trở lên, huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90mmHg trở lên thì được xem là tăng huyết áp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem