Cụ vuốt râu cười:
- Lão biết, cánh đồng lớn hơn nghìn ha, có công ty ứng vốn, giống, thuốc BVTV, lại cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật, sau đó bao tiêu chế biến, xuất khẩu gạo, bà con đến lĩnh tiền như dân đô thị lãnh cổ tức, làm kiểu gì chả sướng.
- Sao đến bây giờ mới làm?
- Nông dân ĐBSCL mỗi hộ có 0,5ha, 5.000m2, bằng một mẫu rưỡi, ở miền Bắc làm gì có hộ nào nhiều ruộng cỡ đó. Ấy thế mà nếu nông dân tự làm mỗi kg lúa phải chi phí từ 3.200-3.500 đồng. Làm “cánh đồng lúa lớn” chỉ mất 2.200 đồng, lợi trông thấy. Còn tại sao bây giờ mới làm lão không có trách nhiệm trả lời.
- So với HTX và nông trường ngày xưa ở miền Bắc có gì khác?
- Lão không muốn nói chuyện cũ, HTX, nông trường quốc doanh “cuốn theo chiều gió” cả rồi, chẳng ai còn muốn nhắc đến những mô hình của một thời. Lịch sử đã sang trang rồi. Nông dân chán làm ruộng vì không đủ no.
- Ở miền Bắc mình đâu đã sang trang. Vẫn còn “danh tiếng” HTX, vẫn còn những thửa ruộng bé tẹo, không khô thì úng, vẫn là “trang” cũ, thưa cụ.
- Nhưng không ai “đọc”.
- Gọi là mô hình “đắp chiếu”?
- Lão không muốn tự mình chê mình, cũng không thích “mèo khen mèo dài đuôi”, còn làm “cánh đồng mẫu lớn” như ở An Giang, như chương trình Bộ NNPTNT vừa phát động, lão rất ủng hộ.
- Theo cụ, xưa muốn làm lớn (HTX, nông trường) nhưng nước lên mà thuyền không lên, chìm dần. Nay “cánh đồng mẫu lớn” mới một vụ đã thắng lớn, mô hình đang được nhân rộng, được cả quý Bộ “canh nông” phát động làm theo, có gì khác nhau về cách làm?
- Đi mà hỏi các bác ở trên. Lão chỉ nhớ “ngày xửa ngày xưa” ruộng ai nấy cày bừa, làm ra thóc phải đóng thuế. Ca dao có câu “Tháng 5 ta có lúa chiêm/Tháng 10 ta lại có thêm lúa mùa/Nếu ăn không hết còn thừa/Bán đi mua vải là vừa ấm no”. Vào HTX có cả bộ máy gián tiếp cồng kềnh, đủ thứ chi tiêu đều bổ vào hạt thóc. Nghe nói ở nông trường còn có bộ máy quản lý như xí nghiệp, cồng kềnh lắm. Nay vụ “cánh đồng mẫu lớn” ở An Giang chỉ có một đơn vị là Công ty BVTV đứng ra lo hết đầu vào đầu ra cho bà con.
- Ý cụ nói là nông dân ta đã tổ chức ra một kiểu làm ăn mới, không cần bộ máy cồng kềnh?
- Đại loại thế, nhưng cần nói chính xác là chỉ có bộ máy sản xuất, không có bộ máy gián tiếp với bao nhiêu là chức vụ cấp bậc. Hạt lúa nhỏ nhoi không cõng được nhiều người, lúa chỉ trả ơn công sức các bác Hai lúa. Làm ăn kiểu này đến năm 2020 có khi nông dân “cánh đồng mẫu lớn” tiến lên công nghiệp làm ruộng hiện đại trước cả nước cũng nên!
Lý Lão Làng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.