Cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL: Khó tìm đầu ra

Thứ sáu, ngày 30/03/2012 08:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ đông xuân năm 2011-2012, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích lên đến 15.500ha. Tuy nhiên, nông dân hiện đang loay hoay với bài toán tìm đầu ra cho các CĐML.
Bình luận 0

Chưa an tâm với hợp đồng bao tiêu

Hầu hết các CĐML ở ĐBSCL được thực hiện khá tốt, giúp tăng năng suất, chất lượng hạt lúa. Nông dân tham gia CĐML đều sử dụng cùng 1 loại giống lúa chất lượng cao, có sổ sách ghi chép nhật ký mùa vụ, cơ giới hóa nông nghiệp nên giúp nông dân tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Tuy nhiên, nông dân lo lắng nhất là hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

img
Hạt lúa chất lượng cao của nông dân vẫn đang bí đầu ra.

Vụ đông xuân vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Tân Cường đã đại diện nông dân ở địa phương ký hợp đồng bao tiêu 400 ha lúa Jasmine với Công ty Docimexco (Đồng Tháp). Gần đến ngày thu hoạch thì công ty không chịu mua với lý do lúa chưa chín. Ông Phùng Công Thanh – Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: “Đó thực ra chỉ là hợp đồng ghi nhớ nên không có sự ràng buộc giữa 2 bên. Khi giá lúa sụt giảm, công ty tìm đủ mọi lý do để “bỏ rơi” nông dân”.

Ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Sự việc không thực hiện hợp đồng bao tiêu giữa HTX Tân Cường và Công ty Docimexco là do 2 bên không có sự thống nhất về thời gian thu hoạch. Nông dân cho rằng cần thu hoạch ngay còn Docimexco thì cho rằng phải để 4 - 5 ngày sau thu hoạch, mới chịu mua. Sau đó, nông dân chấp nhận thu hoạch sớm và bán ra bên ngoài với giá thấp hơn”.

Ở CĐML của tỉnh Kiên Giang cũng đang nan giải bài toán tiêu thụ sản phẩm. Vụ đông xuân này, toàn tỉnh đã xây dựng CĐML với diện tích 1.320ha nhưng chỉ có 300ha được ký kết hợp đồng bao tiêu. Còn ở tỉnh An Giang đã thực hiện xây dựng mô hình CĐML đạt kết quả rất tốt nhưng vẫn gặp không ít trở ngại trong bao tiêu sản phẩm.

Ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết: “Vụ đông xuân này hầu hết 8.000ha lúa ở CĐML đều được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, nông dân và chính quyền địa phương đều rất sợ và không tin tưởng ở hợp đồng đã ký. Bởi vì chỉ khi nào doanh nghiệp có nhu cầu thật sự mới mua. Còn không thì đưa ra rất nhiều lý do như lúa ướt, độ ẩm cao, gãy… để không mua lúa của nông dân”.

Mô hình mẫu bao tiêu sản phẩm?

Nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng mô hình mẫu trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Hợp đồng bao tiêu sản phẩm không thực hiện chủ yếu do năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu. Rất nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực trong khâu vận chuyển, phơi sấy, kho trữ… nên khi nông dân thu hoạch đồng loạt dẫn đến dồn ứ, doanh nghiệp không mua hết lúa của nông dân. Giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần xây dựng đủ kho tàng, phương tiện để đủ khả năng, điều kiện thực hiện hợp đồng”.

“Rất nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực trong khâu vận chuyển, phơi sấy, kho trữ... nên khi nông dân thu hoạch đồng loạt dẫn đến dồn ứ, doanh nghiệp không mua hết lúa của nông dân”.

Theo ông Phả, hợp đồng bao tiêu sản phẩm luôn bị trở ngại nhưng để thực hiện tốt vấn đề này thì cần xác định doanh nghiệp nào có nhu cầu thật sự để ký hợp đồng với nông dân. Khi doanh nghiệp và nông dân có nhu cần và cần nhau thì mới ràng buộc nhau trong thực hiện hợp đồng.

Tại buổi tổng kết tình hình sản xuất lúa đông xuân, Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Bùi Bá Bổng cho rằng: “Hiện nay đầu ra của CĐML chưa được nhiều doanh nghiệp tham gia. Vì vậy, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cần nghiên cứu thêm nhiều loại hình tiêu thụ khác nhau. Đồng thời, xây dựng các mô hình mẫu trong bao tiêu sản phẩm để tìm cách nhân rộng ở các CĐML. Từ đó mới nâng cao được hiệu quả của các CĐML”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem