Từ trước đến nay, việc sản xuất lúa của bà con thường thu lãi thấp vì phần chi phí đầu tư lớn trong khi năng suất thu được không cao. Thêm vào đó giá lúa lại bấp bênh, bị thương lái ép giá... thậm chí nhiều hộ nông dân cả mùa vụ mất trắng do mưa bão, hạn hán…
|
Nông dân Cà Mau đang trao đổi kinh nghiệm trồng lúa theo VietGAP. |
Việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP từ dự án thuộc Đề án nâng cao năng suất và hiệu quả tôm lúa của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau chính là hướng mở để bà con khắc phục những nhược điểm trên.
Ông Duy Quốc Tuấn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: “Bước đầu mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP mang lại cho bà con nông dân những hiểu biết về cách quản lý quá trình lao động sản xuất của mình. Như bà con có thể hạch toán được chi phí sản xuất, biết được lời lãi trong từng vụ thông qua việc ghi chép sản xuất hàng ngày. Từ đó làm cơ sở cho những năm tiếp theo sản xuất được hiệu quả hơn”.
Hiệu quả của mô hình mang lại là giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Nguời dân chủ động vệ sinh thu gom lọ, vỏ chai thuốc BVTV nên không ô nhiễm về môi trường. Việc thường xuyên kiểm tra đồng ruộng cũng giúp họ phát hiện sớm sâu bệnh và phun thuốc đúng loại. Ngoài ra, việc chọn giống tốt, mật độ sạ thưa, giảm phân bón để tạo ra sản phẩm lúa sạch, chất lượng, an toàn cho môi trường và cộng đồng, nhờ đó tăng tính cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thương trường và tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Ông Phù Văn Kiên, nông dân sản xuất lúa ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Sản xuất lúa theo mô hình VietGAP đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt so với ruộng sản xuất truyền thống trước đây. Thực tế trong vụ mùa vừa qua, lợi nhuận nhà tôi thu được đến 18,6 triệu đồng/ha, cao hơn mấy vụ trước không làm VietGAP hơn 3,5 triệu đồng/ha”.
Do những hiệu quả thiết thực đó nên mô hình đang được nhiều bà con nông dân tích cực tham gia. Ông Nguyễn Trần Thức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cà Mau cho biết: “Có thể nói đây là bước đi tiền đề để mở rộng quy mô sản xuất, ban đầu là nhiều cánh đồng mẫu nhỏ, sau đó ráp lại thành cánh đồng mẫu lớn. Từ 100ha năm 2011, năm nay Trung tâm dự kiến tăng lên 600ha và sẽ tiếp tục tăng trong những năm sau để tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo như chỉ đạo của Bộ NNPTNT ”.
Diệu Lữ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.