Cảnh sát phải chịu trách nhiệm về lô bạch tuộc chết

Thứ hai, ngày 03/06/2013 10:47 AM (GMT+7)
Dân Việt - "Dù sao đi nữa việc bắt giữ để chết bạch tuộc, thiệt hại tài sản của dân, trách nhiệm này thuộc về Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương” – luật sư Hải nói.
Bình luận 0

Để làm rõ trách nhiệm của các bên khi hơn 2 tấn bạch tuộc của người dân bị chết, phân hủy, thượng tá Nguyễn Trọng Thái – Phó trưởng Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương vừa thông tin tới báo chí.

Theo thượng tá Thái, xác định lô hàng bạch tuộc có dấu hiệu vi phạm hành chính nên Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương đã yêu cầu lái xe gửi xe, hàng vào bãi xe của Công ty TNHH Trường Giang, số 57, đường Ngô Quyền, TP. Hải Dương để về trụ sở Phòng CSMT làm rõ.

Do đang trong quá trình đầu của việc xem xét xem có vi phạm hay không nên Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương không lập biên bản hiện trạng hàng hóa, tạm giữ hàng... Sau khi làm việc, đến hơn 1h, ngày 28.5 (theo lái xe là hơn 4h), Phòng CSMT đã giao lại toàn bộ giấy tờ xe, giấy gửi xe để lái xe đi kiểm dịch nên trách nhiệm về hàng hóa bị hư hỏng là của lái xe.

img
Hơn 2 tấn bạch tuộc của dân vẫn nằm trong bãi gửi xe.

Cũng theo thượng tá Thái, đến thời điểm hiện tại Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương vẫn chưa lập biên bản vi phạm hành chính, chưa có phương án xử lý hành chính cụ thể đối với lô hàng này vì không có thẩm quyền xử lý.

“Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa xác định được chủ hàng là ai. Một số người đến nhận là chủ hàng, nhưng không chịu ký vào biên bản làm việc, do đó rất khó khăn trong việc xử lý” – thượng tá Thái nói.

Khi được hỏi vì sao đến hơn 1h, ngày 28.5 (theo lái xe là hơn 4h), Phòng CSMT Công an tỉnh lại bàn giao hết xe, hàng cho lái xe tự đi kiểm dịch mà không có phương án quản lý, lái xe thừa cơ mang hàng bỏ chạy, Thượng tá Thái trả lời đó là lỗ hổng của luật.

Còn theo lái xe, xác định lúc này toàn bộ số bạch tuộc đã chết nên Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương làm việc trên để “phủi” trách nhiệm về lô hàng.

Một số người dân huyện Cần Giờ là chủ của lô hàng bạch tuộc cũng cho biết, khi nhận được thông tin lái xe nói việc CSMT tỉnh Hải Dương cho xe hàng đi khi bạch tuộc đã chết, người dân đã yêu cầu lái xe không đi để làm rõ.

Sau khi vụ việc xảy ra, trong quá trình làm việc với Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương, người dân không ký vào biên bản vì họ cho rằng mình không vi phạm hành chính theo Thông tư 32/2012, ngày 20.7.2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi xem xét toàn bộ vụ việc, luật sư Nguyễn Hải Sơn – Văn phòng luật sư Danh chính (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương đã vi phạm thủ tục hành chính. Cụ thể, Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương đã không lập biên bản hiện trạng hàng hóa, không ra quyết định tạm giữ hàng hóa, biên bản vi phạm hành chính…

Đó là chưa kể nếu trong Thông tư 32/2012, ngày 20.7.2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi rõ bạch tuộc chưa nằm trong danh mục phải kiểm dịch.

“Dù sao đi nữa việc bắt giữ để chết bạch tuộc, thiệt hại tài sản của dân, trách nhiệm này thuộc về Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương” – luật sư Hải nói.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, hơn 2 tấn bạch tuộc của dân đã bị phân hủy gần như hoàn toàn, mùi hôi thối nồng nặc, vẫn nằm trong bãi gửi xe của Công ty TNHH Trường Giang, số 57, đường Ngô Quyền, TP. Hải Dương. Một số người dân cho biết, trong trường hợp Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương không bồi thường họ sẽ kiện ra tòa để đòi quyền lợi.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem