Cao su tiểu điền đánh thức vùng biên

Thứ sáu, ngày 24/02/2012 18:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ chủ trương đúng, những năm qua, Dự án Cao su tiểu điền của Nông, lâm trường Cao su Tuy Đức đã thực sự “đánh thức” vùng biên giới huyện Tuy Đức, Đăk Nông.
Bình luận 0

Chăm lo tối đa cho công nhân

Ông Trương Quang Hương - Giám đốc đơn vị này cho biết, Nông trường hiện có 130 lao động trong biên chế và khoảng 300 lao động thời vụ, đa phần là đồng bào tại chỗ (làm liên tục). Từ năm 2008 đến nay, đơn vị đã trồng được 500ha cao su trong tổng số 2.000ha đăng ký với tỉnh”.

img
Trong tương lai không xa, vùng biên giới Tuy Đức sẽ khởi sắc nhờ “vàng trắng”.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cao su, ông Hương khoe: “Tuy trồng ở vùng đất dốc, nhưng cây nào cây nấy thân đều tăm tắp và phát triển rất tốt”.

Vậy là hàng trăm ha đồi trọc đã được phủ kín cao su. Nhưng chuyện quan trọng hơn, cũng nhờ đó mà cuộc sống của hàng trăm nông dân vùng biên có những đổi thay đáng kể.

Anh Điểu BLé - công nhân của Nông, Lâm trường Cao su Tuy Đức chia sẻ: “Ở nông trường, mình có lương, có thưởng, và được làm việc trong môi trường rất dễ chịu. Hiện lương của mình đã lên đến 10 triệu đồng/tháng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, số tiền ấy quả là một giấc mơ”.

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương để có đời sống kinh tế ổn định, mà với những người có tay nghề cao còn được đơn vị hỗ trợ cấp đất để yên tâm làm việc.

Đơn cử như anh Lê Văn Sáng, quê Nghệ An: “Vợ chồng em vào đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Không có đất đai, chẳng biết phải làm gì nên em xin làm công nhân cho nông trường. Lúc mới đến, tổ sản xuất thấy vợ chồng em còn trẻ, con nhỏ, lại chưa có nhà ở, nên đề xuất hỗ trợ đất. Được nông trường tạo điều kiện cấp đất, mọi người giúp công… vậy là em dựng được cái nhà gỗ. Hiện giờ, khi tay nghề hai vợ chồng em vững vàng, với thu nhập đạt 7-8 triệu đồng/tháng là sống được ở vùng biên này rồi”- anh Sáng cho biết.

“Chỉ vài năm nữa thôi, khi cao su cho khai thác, không chỉ đơn vị mà đồng bào ở đây cũng sẽ có một cuộc sống khác, cao hơn nữa”.

Nói đến hướng đi của nông trường, ông Trương Quang Hương cho biết thêm: “Chỉ cần đơn vị tập trung đầu tư cho con người chu đáo đã thể hiện được một phần quyết tâm, khát vọng mở rộng vùng chuyên canh cao su tại địa phương ra sao”.

Thực tế, cách làm này cũng được manh nha từ bề dày kinh nghiệm chuyên về cây cao su của Công ty Cao su Phú Riềng (công ty “mẹ” của nông trường), nên khi triển khai trồng cao su, đơn vị đã tính toán đến việc “giữ chân” lao động. Muốn có lao động tay nghề cao để tăng năng suất, hiệu quả công việc, điều cốt yếu là phải giúp mọi người có cuộc sống ổn định.

“Nông trường đã cấp đất cho 20 hộ gia đình trẻ làm nhà ở. Và đến nay, lương bình quân của cán bộ, công nhân không dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy mức thu nhập này chưa phải là cao, nhưng ở vùng nông thôn thì cũng đủ để anh em trang trải cuộc sống” - ông Hương tự hào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem