Cấp 12 điểm cho GPLX: Tài xế sẽ bị trừ điểm thế nào?

Thế Anh Thứ năm, ngày 03/09/2020 17:25 PM (GMT+7)
Việc cấp 12 điểm cho giấy phép lái xe có ý nghĩa sẽ là biện pháp theo dõi quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Bình luận 0

Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều điểm mới được bổ sung sau khi các bộ, ngành có ý kiến đóng góp, trong đó có nội dung rất đáng chú ý là đề xuất mỗi giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có 12 điểm để trừ dần khi tài xế vi phạm luật được dư luận quan tâm.

Vi phạm Luật tài xế bị trừ điểm?

Theo đó, Bộ Công an đề xuất mỗi GPLX có 12 điểm, điểm số sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Dữ liệu về điểm trừ của tài xế sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.

Đáng chú ý, trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu tài xế không vi phạm thì GPLX sẽ được phục hồi điểm. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, tài xế muốn được cấp GPLX mới thì phải thi sát hạch lại. "Chính phủ quy định về trừ, phục hồi điểm của GPLX" - dự thảo Bộ Công an nêu.

Cấp 12 điểm cho GPLX tài xế sẽ bị trừ điểm như thế nào? - Ảnh 1.

Giấy phép lái xe sẽ có 12 thang điểm để trừ.

Giải thích về việc cấp điểm số cho GPLX, Bộ Công an cho rằng, việc cấp điểm GPLX có ý nghĩa sẽ là biện pháp theo dõi quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp GPLX. Trên thực tế khi được cấp GPLX, người lái xe gần như không bị ai quản lý, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát…

Đối với đề xuất này, Bộ Công an muốn xây dựng "vòng tròn khép kín" từ sát hạch GPLX, theo dõi việc chấp hành pháp luật sau khi được cấp GPLX (trừ điểm) và thi sát hạch lại (nếu bị trừ hết điểm) đều sẽ do Bộ Công an quản lý.

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đã phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự luật này. Đối với đề xuất chấm điểm GPLX, tính tới ngày 11/8, đã có 23/26 thành viên Chính phủ cho ý kiến. Trong đó, 16 thành viên đồng ý với quy định mỗi GPLX được cấp 12 điểm/năm, bị trừ hết thì tài xế phải thi lại. Trong trường hợp GPLX không bị trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong một năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm.

Ngược lại, sáu thành viên tán thành phương án trừ điểm GPLX là một hình thức xử phạt bổ sung được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thay vì Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Theo đó, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (đang trình Quốc hội cho ý kiến) cần bổ sung quy định về vấn đề này. Một thành viên Chính phủ còn lại trong số 23 người không thể hiện ý kiến chọn phương án nào.

Cấp 12 điểm cho GPLX tài xế sẽ bị trừ điểm như thế nào? - Ảnh 2.

Tài xế sẽ bị trừ điểm trên giấy phép lái xe khi vi phạm Luật.

Cần làm rõ căn cứ quy đổi lỗi trừ điểm

Về tính khả thi của dự thảo, Văn phòng Chính phủ ủng hộ quy định cấp, trừ điểm GPLX như kinh nghiệm nhiều nước đã làm. Đồng thời, đề nghị thực hiện theo hướng Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ quy định việc trừ điểm GPLX là một hình thức xử phạt bổ sung. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện việc tính điểm và trừ điểm GPLX. Tuy nhiên, thủ tục phải đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.

Góp ý về dự thảo Luật này, Ủy ban Dân tộc đề nghị Bộ Công an cân nhắc, bỏ nội dung quy định điểm GPLX vì hoàn toàn không phù hợp với tình hình giao thông và cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam và cho rằng, một số cán bộ sẽ lợi dụng quy định này để nhũng nhiễu người dân.

Trong khi đó, Bộ Công an khẳng định sẽ xây dựng quy định việc tính điểm bảo đảm chặt chẽ, dữ liệu về điểm, lịch sử cộng, trừ điểm, thời gian và người thực hiện sẽ công khai và dễ dàng tra cứu từ bất kỳ đâu vào bất kỳ thời gian nào để ngăn chặn sai phạm, phòng ngừa tiêu cực.

Cấp 12 điểm cho GPLX tài xế sẽ bị trừ điểm như thế nào? - Ảnh 3.

Nhiều thành viên Chính phủ đồng ý với đề xuất thang điểm 12 đối với giấy phép lái xe.

Cũng góp ý về dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng ý với việc quy định điểm của GPLX và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ tiêu chí, căn cứ để xác định điểm GPLX, căn cứ quy đổi lỗi vi phạm để trừ điểm, đồng thời không quy định việc cộng điểm GPLX.

Bộ trưởng Long cho biết thêm, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định trừ điểm GPLX là một trong những hình thức xử phạt bổ sung. "Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định theo hướng việc trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Trao đổi với Dân Việt, TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá: "Đề xuất này đi theo một hướng rất đúng, vì theo các nghiên cứu về hành vi của tài xế thì thấy rằng các mức phạt là một vấn đề quan trọng, nhưng cách thức phạt thậm chí là điều quan trọng hơn. mặc dù với một số hành vi nguy hiểm thì cần thiết phải tiếp tục nâng cao (đây là điều rất cần thiết), nhưng rõ ràng là chúng ta không thể nâng mãi mức phạt của tất cả các vi phạm lên được".

Cấp 12 điểm cho GPLX tài xế sẽ bị trừ điểm như thế nào? - Ảnh 4.

TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

"Đó là lý do tại sao các quốc gia phát triển thường phải hình thành dữ liệu quốc gia về vi phạm luật giao thông và tai nạn giao thông,... tất cả những hành vi của tài xế vi phạm về TTATGT đều được lưu trữ lại trong một hệ thống chung trên toàn quốc. Mỗi hành vi vi phạm sẽ tương ứng với một số điểm nhất định, khi chủ thể vi phạm thì số điểm đó sẽ được tích vào hồ sơ của cá nhân vi phạm", TS. Trần Hữu Minh phân tích.

TS. Trần Hữu Minh cho rằng: "Khi tổng số điểm vượt quá một mốc nhất định (thông thường là 12 điểm) thì cá nhân vi phạm sẽ phải học lại, hoặc thi lại, hoặc cả học lại và thi lại với mức độ khó hơn bình thường. Ngoài ra là hệ dữ liệu để quản lý tái phạm, với mức hình phạt cho tái phạm sẽ tăng cao gấp nhiều lần. Đây là giải pháp có tính giáo dục và nhân văn rất cao. Bởi vì khi tài xế đã vi phạm một lần, họ sẽ luôn nhớ được trong đầu nếu tái phạm sẽ bị trừ điểm và có thể phải thi sát hạch lại GPLX hoặc sẽ phải đóng mức phạt cao hơn rất nhiều".

TS. Trần Hữu Minh chia sẻ, đối với hành vi vi phạm nặng thì vẫn cần thiết nâng mức phạt lên cao, nhưng lỗi nhỏ thì sẽ quản lý theo hồ sơ vi phạm, trừ điểm,.. thì hiệu quả sẽ rất cao. Để thực hiện được việc này thì phải hình thành được hệ thống dữ liệu quốc gia để lữu trữ được tất cả các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông và quan trọng hơn là phải chia sẻ dùng chung giữa các cơ quan. Khi Luật có hiệu lực cũng sẽ phải điều chỉnh lại các Thông tư, Nghị định cho phù hợp với luật hiện hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem