Đơn giản hóa gần 1.300 thủ tục hành chính
TS Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Cải cách thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, trên cơ sở góp ý của Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, Dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư mà Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã xác định số định danh cá nhân cấp cho mỗi công dân chính là số CMND mới (12 số) mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm cấp cho công dân tại 3 quận, huyện ở Hà Nội (Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm).
Tuy nhiên, số định danh cá nhân mới chỉ được quy định cụ thể tại Thông tư 01/2013 của Bộ Công an nên xét về mặt pháp lý, cần quy định về số định danh cá nhân tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để khẳng định giá trị pháp lý và làm cơ sở để các ngành khác sử dụng số định danh cá nhân phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực.
|
Theo dự kiến, tới đây, thông tin về công dân sẽ được ghi vào 1 cuốn sổ. |
Mặt khác, theo TS Phan, số định danh phải được cấp cho công dân từ khi sinh ra (đăng ký khai sinh) và theo công dân đến chết (đăng ký khai tử) nên việc quy định số định danh cá nhân tại Dự thảo Luật Hộ tịch đang được xây dựng là hoàn toàn phù hợp.
Dự thảo đề án cũng xác định thời điểm hoàn thiện cơ sở pháp lý (5.2014) để có sự phối hợp giữa hai ngành tư pháp - công an. Việc cấp số định danh cho công dân đăng ký khai sinh từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành. Đối với công dân đã khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực, việc cấp số định danh sẽ được thực hiện từ năm 2013 đến hết năm 2020.
Theo rà soát của Bộ Tư pháp, có gần 1.300 thủ tục hành chính trong mẫu tờ khai thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu xuất trình, nộp bản sao, bản sao có chứng thực một số giấy tờ sau: Giấy khai sinh/chứng sinh, sổ hộ khẩu, CMND, hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử. Trong gần 1.300 thủ tục hành chính thì có 1.045 mẫu đơn, tờ khai có yêu cầu cung cấp thông tin về công dân.
Theo tính toán, việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí điền thông tin trong mẫu đơn, tờ khai cho công dân ước tính khoảng 198 tỷ đồng. Theo thống kê sơ bộ, để đơn giản hóa gần 1.300 thủ tục hành chính này sẽ phải kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với 608 văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, có đến 12 cơ sở dữ liệu của 9 bộ, ngành đã và đang đưa vào khai thác sử dụng.
Dự kiến năm 2030 mới hoàn thành “đánh số”
Ông Nguyễn Công Khanh – Vụ trưởng Vụ hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) khẳng định: Công an cấp CMND cũng phải dựa vào giấy khai sinh, 2 ngành “gặp nhau” ở điểm gốc là cùng truy nguyên nguồn gốc công dân.
Theo dự kiến thì ngay từ thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực (dự kiến năm 2015), cán bộ hộ tịch xã, phường sẽ tiến hành ghi tất cả thông tin của một công dân vào một cuốn sổ để theo dõi, không chia ra nhiều cuốn sổ, đồng thời không cấp các loại giấy tờ như khai sinh, kết hôn, hộ khẩu... như hiện nay. Nhưng để làm được việc đó phải có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, cần phải tính toán để giảm thiểu những hạn chế như việc CMND 9 số đã sử dụng trong rất nhiều giao dịch, in lên cả sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... nếu không có hướng dẫn cụ thể dễ khiến người dân vướng vào những rắc rối pháp lý trong giao dịch dân sự không cần thiết.
Đại tá Vũ Xuân Dung - Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) thừa nhận: Dự thảo Đề án triển khai mã số định danh của Bộ Tư pháp có nhiều điểm trùng với Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an.
Tại đề án này, Bộ Công an cũng đã xác định xây dựng đề án cấp CMND mới với 12 số. Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao đánh số gần 90 triệu dân. Theo ông Dung, trước đây hộ tịch do ngành công an quản lý. Khi được giao nhiệm vụ này, ngành đã xây dựng Nghị định 90 xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Từ năm 2010, Bộ đã nghiên cứu về việc cấp mã số cho công dân. CMND trước đây đăng ký tại nơi thường trú, khi thay đổi thì công dân lại phải thay đổi theo. Hiện ngành Công an đã cấp được hơn 30.000 CMND theo mẫu mới, sắp tới sẽ tiến hành thí điểm tại Hải Phòng. Nếu thực hiện theo đề án Bộ Tư pháp đưa ra là khoảng năm 2014, 2015 bắt đầu cấp mã số công dân thì phải tới năm 2030 mới hoàn thành.
Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm là tính bảo mật trong dữ liệu cá nhân khi thực hiện đề án trên, TS Ngô Hải Phan khẳng định các ngành sẽ mã hóa bằng các phương thiện kỹ thuật và sẽ đảm bảo tuyệt đối bí mật cá nhân. Còn về tính khả thi của đề án, ông Phan cho rằng vấn đề nằm ở việc tích cực triển khai và quyết tâm chính trị của người đứng đầu đơn vị. Trả lời câu hỏi kinh phí để triển khai đề án là bao nhiêu (được biết nếu đề án được triển khai dự kiến hàng năm sẽ tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ đồng), TS Phan cho biết, con số này hiện vẫn đang được tính toán.
Lương Kết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.