CẬP NHẬT: Người dân cả nước hân hoan chờ đón Giao thừa năm mới Giáp Thìn 2024
Người dân cả nước đổ ra đường chờ đón Giao thừa năm mới Giáp Thìn 2024
Dân Việt
Thứ sáu, ngày 09/02/2024 19:00 PM (GMT+7)
Những thời khắc cuối cùng của năm cũ - thời điểm đẹp nhất để mỗi người, mỗi tổ chức, địa phương cùng đồng bào cả nước "lắng tâm", nhìn lại một năm vừa đi qua, bước sang năm mới - Giáp Thìn 2024, với kỳ vọng đất nước có sự đổi thay căn cơ và toàn diện.
Thời khắc Giao thừa đã đến, pháo hoa rền vang trên bầu trời TP.HCM tạo nên khung cảnh lung linh giữa trời đêm. 1.500 quả pháo tầm cao cùng 30 giàn pháo tầm thấp được khai hoả trong 15 phút, tạo nên phần trình diễn đặc sắc.
Những chùm pháo hoa trên bầu trời nở rộ trong ánh mắt của người dân Sài thành. Họ hy vọng một năm mới tươi sáng và bùng nổ với nhiều thành công.
Đúng 0h, Đà Nẵng bắn pháo hoa chào mừng năm mới
Đà Nẵng dùng 2.000 quả pháo tầm cao, 120 giàn tầm thấp. Phương pháp trình diễn pháo hoa nghệ thuật không nhạc nền và sử dụng hệ thống bắn FireOne và hệ thống bán tự động bắn pháo hoa L100S.
Năm nay, Đà Nẵng tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa. Điểm thứ nhất là tại đường Bạch Đằng giao với Bình Minh 6 - quận Hải Châu. Điểm bắn thứ 2 tại khu đất đối diện về phía Đông của Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu. Điểm bắn thứ 3 ở đầu đường phía Tây trụ sở Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Hoà Vang.
Tại Huế, người dân được dịp mãn nhãn với màn pháo hoa đẹp mắt
23h30, nhiều trò chơi dân gian, viết thư pháp được Thành đoàn Bắc Ninh tổ chức cho thiếu nhi tham gia dịp Giao thừa.
23h30, tại TP.Huế: Gần đến giờ giao thừa nhưng tại các tuyến đường trung tâm của thành phố khá vắng vẻ. Những điểm vườn hoa, phố đi bộ, công viên trưng bày linh vật rồng cũng vắng khách đến check-in như những đêm trước.
Ghi nhận tại TP.Bắc Ninh, khoảng 22h45, nhiều người dân đổ về khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc, để thăm quan đường hoa Xuân. Nhiều trẻ nhỏ tỏ ra thích thú trước những gian trưng bày chào Xuân Giáp Thìn. Những tiết mục văn nghệ cũng được biểu diễn để phục vụ người dân.
Theo kế hoạch, đúng 0h ngày 10/2, tại đây sẽ diễn ra màn bắn pháo hoa chào mừng năm mới.
20h45, Tân cảng Sài Gòn phát lệnh chuyến hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024
Ngay trong đêm giao thừa, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) tổ chức phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại Tân cảng Cát Lái (TP.HCM). Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo UBND TP.HCM, Bộ Quốc phòng và các bộ ban ngành Trung ương...
Trong đêm giao thừa, Tân cảng Cát Lái đón 7 chuyến tàu container, với lô hàng đầu tiên được xếp lên tàu Uni Perfect của hãng tàu Ever Green, có tải trọng 19.308 tấn, sức chở hơn 1.600 Teus. Đây là lô hàng sản phẩm linh kiện điện tử, mặt hàng chủ lực góp phần đưa kim xuất khẩu của TP.HCM đạt hơn 42 tỷ USD năm 2023. Tàu Uni Perfect có hành trình cảng Cát Lái (Việt Nam) - Kaohsiung (Đài Loan, Trung Quốc) - Osaka, Kobe, Hakata (Nhật Bản) – Thượng Hải (Trung Quốc) - Hồng Kông (Trung Quốc) - Cát Lái.
22h30, công nhân Bình Dương đi cả tiếng đồng hồ lên TP.HCM đón giao thừa
Đại gia đình hơn chục người của anh Nguyễn Công Trình đi từ Bình Dương lên TP.HCM đón giao thừa. Anh làm công nhân tại Bình Dương và năm nay không về quê ăn Tết. Anh Trình cho biết đây là lần đầu tiên cả nhà đi đường hoa Nguyễn Huệ nên ai cũng rất háo hức, chuẩn bị từ rất sớm.
“Chúng tôi đi khoảng 1 tiếng mới tới nơi và sẽ ở đây chơi, xem pháo hoa lúc giao thừa. Tôi là công nhân, năm mới chỉ mong công việc ổn định là mừng”, anh Trình nói.
Theo ghi nhận của PV, lượng người vui chơi đều đổ về khu vực bến Bạch Đằng chờ bắn pháo hoa. Điểm bắn pháo hoa khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức) là điểm bắn tầm cao quy mô và lộng lẫy nhất TP.HCM. Năm nay, tại thành phố mang tên Bác có tới 11 điểm bắn pháo hoa ở các quận, huyện nhưng nhiều người vẫn đổ về bến Bạch Đằng chờ thời khắc giao thừa.
22h10, sinh viên xa quê ở lại TP.HCM làm thêm
Trao đổi với PV Dân Việt, nhóm các bạn sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, họ không về quê ăn Tết mà ở lại TP làm thêm. Đêm Giao thừa họ rủ nhau đi xem bắn pháo hoa trong lần đầu ăn Tết xa nhà. Nhà ở Cần Thơ không xa TP.HCM nhưng họ quyết định ở lại làm thêm để góp tiền mua máy tính phục vụ học tập, Quang Tú cho biết: "Trong 7 ngày Tết, em làm thêm dự kiến kiếm được khoảng 4 triệu đồng, sau đó em về nhà ít bữa rồi trở lên TP.HCM đi học".
22h, tại Đà Nẵng, khách ngoại quốc đổ bộ chợ đêm
Với vị trí đắc địa, nằm ngay đầu cầu Rồng, chợ đêm Sơn Trà thu hút hàng ngàn du khách đổ về tham quan, mua sắm. Khách tham quan chủ yếu là khách Hàn Quốc, Ấn Độ...Chị Nguyễn Hương (tiểu thương) chia sẻ: "Lâu lắm rồi mới thấy nhộn nhịp như vậy. Khách ngoại quốc rất thích thức ăn và đồ lưu niệm bày bán ở đây".
21h40 người dân TP.Huế bắt đầu xuống đường chuẩn bị đón Giao thừa. Ghi nhận tại khu vực bia Quốc Học, người dân hồ hởi chụp ảnh với hình tượng rồng tại đây.
21h20 tại ngã 3 Văn Cao - Nguyễn Đình Thi (Hà Nội) rất đông người dân đang xếp hàng để đón chờ màn trình diễn drone lớn nhất Đông Nam Á.
21h15, tại Đà Nẵng, hàng trăm người dân thích thú xem linh vật rồng phun lửa
Đường hoa Xuân Đà Nẵng chật kín người dân tham quan, du xuân. Được đánh giá là linh vật rồng đặc biệt chỉ có tại Đà Nẵng, linh vật rồng phun lửa, khói nhận được sự quan tâm của hàng trăm người dân khi đến đường hoa Xuân.
Tận mắt chứng kiến linh vật rồng phun lửa, anh Trần Nhân (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ: "Các con tôi rất háo hức xem linh vật rồng phun lửa, phun khói. Đây là một trải nghiệm thú vị đối với gia đình tôi".
21h tại TP.Cần Thơ
Theo ghi nhận của PV, khoảng 9h tối ngày 9/2, hàng nghìn người dân nô nức đổ về trung tâm TP.Cần Thơ du xuân, đón chờ thời khắc giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
21h, tại TP.HCM, hàng ngàn người dân chờ xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa
Tại Công viên bờ sông Sài Gòn bên TP.Thủ Đức (TP.HCM), hàng ngàn người dân chờ xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa. Người dân tập trung ở đây từ rất sớm để “xí” chỗ có hướng nhìn đẹp về hướng hầm Thủ Thiêm, chờ đợi được chiêm ngưỡng bữa tiệc ánh sáng đẹp mắt.
Đến từ lúc 19h để kiếm được chỗ xem đẹp, gia đình anh Đức Minh chị Thu Ngọc ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) cùng 3 cô con gái, trong đó 2 bé gái sinh đôi khá vất vả để chọn được vị trí thích hợp giữa biển người trong đêm Giao thừa.
Chị Ngọc cho biết: “Đây là lần đầu gia đình tôi đưa các bé đi xem bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa. Chúng tôi muốn các bé có trải nghiệm đẹp trong thời khắc chuyển giao năm mới. Tuy nơi đây khá đông đúc, nhưng gần bờ sông nên cũng thoáng mát. Hy vọng cả nhà sẽ được xem những màn pháo hoa rực rỡ”.
20h45, tại TP.HCM, người dân và du khách tại TP.HCM thích thú thưởng thức chương trình nghệ thuật biểu diễn chào Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Chương trình diễn ra tại khu vực công viên tượng đài Bác Hồ phía trước tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM. Các tiết mục biểu diễn mang đậm tính dân tộc và những ca khúc chào xuân rộn ràng.
Gia đình chị Thúy Đỗ - Việt kiều Úc, thích thú với những bài hát, điệu múa dân ca do các nghệ sĩ biểu diễn. “Đây là năm đầu tiên chúng tôi về Việt Nam ăn Tết sau đợt Covid-19. Những làn điệu, nhạc cụ dân tộc này lâu rồi mới được nghe lại. Không khí Tết tại TP.HCM rất vui, khắp nơi đều trang hoàng đón Tết và đường hoa Nguyễn Huệ năm nay rất rực rỡ”, chị Thúy nhận xét.
20h40, hàng nghìn người đổ về Quảng trường trung tâm TP.Buôn Ma Thuột xem bắn pháo hoa
Tại Quảng trường trung tâm TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hàng nghìn người dân đã có mặt thưởng thức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đêm Giao thừa đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây cũng là địa điểm duy nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trước đó, vào lúc 20h, ông Nguyễn Đình Trung - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, lãnh đạo TP.Buôn Ma Thuột đã xuống đường thăm hỏi, động viên, chúc Tết công nhân vệ sinh môi trường làm việc trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thăm các công nhân vệ sinh môi trường Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đang làm công tác vệ sinh, thu gom rác thải trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.Buôn Ma Thuột), ông Nguyễn Đình Trung đã ân cần thăm hỏi, động viên và cảm ơn các công nhân vệ sinh đã góp phần giữ cho thành phố sạch, đẹp, bảo đảm mỹ quan đô thị.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đề nghị lãnh đạo công ty quan tâm hơn nữa đến đời sống, thu nhập của công nhân trong thời gian tới.
20h30, tại thủ đô Hà Nội theo ghi nhận của PV trên phố đi bộ Hồ Gươm, thời tiết khô ráo, người dân thong thả đi dạo chờ bắn pháo hoa.
20h20, biển người đổ về đường hoa Nguyễn Huệ chuẩn bị đón Giao thừa
Tại TP.HCM, hàng nghìn người dân và khách quốc tế cùng đổ về đường hoa Nguyễn Huệ chờ đón khoảnh khắc Giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đường hoa Nguyễn Huệ là một trong những khu vực thu hút người dân TP.HCM mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 có điểm nhấn đặc biệt ngay từ cổng chào với cặp đôi “lưỡng long triều liên” (đôi rồng chầu sen), thân rồng uốn lượn ấn tượng với độ dài hơn 100m và kích thước vòng đầu hơn 2m.
Du khách có thể thưởng ngoạn đường hoa, vừa chờ thời khắc pháo hoa rực rỡ trên bầu trời lúc 0h trên bến Bạch Đằng.
Trong khi đó, các con đường dẫn vào khu vực trung tâm quận 1 như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Lê Thánh Tôn, đường Pasteur đang đông dần bởi lượng người đang tiếp tục đổ về đường hoa Nguyễn Huệ.
19h50 tại Đà Nẵng: Dòng người bắt đầu đổ về các điểm vui chơi, đặc biệt là đường hoa xuân dọc 2 bờ sông Hàn.
Trong tối 30 Tết, Đà Nẵng không mưa, thời điểm khá lý tưởng để người dân và du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm trước thềm năm mới
Chị Phan Thanh Hà (trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chia sẻ: "Gia đình tôi tranh thủ có mặt sớm tại đường hoa Xuân để chụp ảnh rồi về nhà đón giao thừa. Đi sớm nhưng vẫn thấy rất đông. Tết như vậy mới nhộn nhịp".
Công nhân môi trường Đà Nẵng: “Chỉ mong được về nhà trước giao thừa”
Tại khu vực Chợ hoa Tết (xung quanh Cung thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng), công tác dọn dẹp, trả lại mặt bằng thông thoáng sạch sẽ đang được thực hiện rất khẩn trương.
Công nhân môi trường Đàm Thị Thanh Nga (54 tuổi, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay mình làm nghề này đã 23 năm. Trong 23 năm qua, hiếm giao thừa nào bà Nga được về nhà trước 12 giờ đêm.
“Hầu hết đều phải 4 – 5 giờ sáng mùng 1 Tết tôi mới xong việc. Năm nay, mong bà con tiểu thương chợ hoa Tết sớm bán hết để tôi kịp về nhà trước Giao thừa” – bà Nga bày tỏ.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho hay năm nay công ty huy động khoảng 100 công nhân để vệ sinh chợ hoa Tết thành phố. Xuyên suốt thời gian chợ hoa hoạt động, công nhân phục vụ 24/24.
Năm nay, dự kiến khoảng 21 giờ 30 sẽ hoàn thành việc vệ sinh, trả lại mặt bằng cho thành phố.
“Công ty động viên công nhân bằng các phúc lợi, chi trả lương thưởng trước Tết. Đêm giao thừa, chúng tôi lì xì, nấu ăn miễn phí cho công nhân để họ yên tâm làm việc. Lãnh đạo thành phố cũng thường quan tâm, động viên nên công nhân môi trường ai cũng ấm lòng”, ông Huy nói.
Cảnh sát thường trực máy bơm, xuồng cứu hộ ngay trên mặt hồ Hoàn Kiếm bảo vệ trận địa pháo hoa lớn nhất Thủ đô
19h ngày 9/2 (đêm 30 Tết): Công an quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) đã triển khai phương án bảo vệ trận địa pháo hoa quanh hồ Hoàn Kiếm đêm Giao thừa và đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Cụ thể, trong đêm Giao thừa (đêm ngày 9, rạng sáng 10/2), trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 2 điểm bắn pháo hoa chào xuân mới. Đây là điểm bắn pháo hoa lớn nhất Thủ đô, dự kiến lượng người đổ về đón Giao thừa lên đến hàng vạn người.
Thượng tá Bùi Văn Đang - Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, ngoài bố trí 100% lực lượng, phương tiện tham gia bảo vệ điểm bắn pháo hoa trên địa bàn, những nơi tập trung đông người…, nhiệm vụ quan trọng nhất là chủ động tập trung rà soát, kiểm tra các phương tiện, thiết bị.
Công an quận đã chủ động chia thành các cụm xung quanh hồ do Trưởng Công an các phường: Hàng Bạc, Tràng Tiền, Hàng Trống… chỉ huy các vị trí xung yếu.
Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" nên khi có vụ việc đột xuất liên quan đến an ninh trật tự thì các cụm gồm nhiều đơn vị nghiệp vụ và công an các phường có thể hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng xử lý.
Ngoài ra, trong quá trình bảo vệ đêm Giao thừa và trong Tết Nguyên đán, Công an quận Hoàn Kiếm cũng triển khai nhiều tổ công tác hoạt động đột xuất kiểm tra việc trông giữ phương tiện, hoạt động quán bar…
Riêng đối với Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Công an quận Hoàn Kiếm giao nhiệm vụ thường trực máy bơm, xuồng cứu hộ ngay trên mặt hồ Hoàn Kiếm gần khu vực trận địa pháo hoa, sân khấu ngoài trời.
Đồng thời, để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người dân đón Tết đầm ấm, an toàn, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và công an 18 phường tiếp tục tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở tập trung đông người.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND về việc tổ chức bắn pháo hoa tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tại Thủ đô Hà Nội.
Kế hoạch nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô nhân dịp đón Tết cổ truyền; thi đua lao động, sản xuất lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc năm 2024.
Theo đó, TP.Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa ở 30 điểm với 32 trận địa, trong đó có 09 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp tại: Quận Hoàn Kiếm (trước Trụ sở Tòa soạn Báo Hànộimới); Quận Hoàn Kiếm (trước Bưu điện Hà Nội); Quận Tây Hồ (tại Vườn hoa Lạc Long Quân, trước cổng UBND quận); Quận Nam Từ Liêm (tại khuôn viên đường đua F1, phường Phú Đô); Quận Hai Bà Trưng (Đảo dừa, Công viên Thống nhất, phường Lê Đại Hành); Quận Hà Đông (Hồ Văn Quán, phường Văn Quán); Thị xã Sơn Tây (Thành cổ Sơn Tây); Huyện Thanh Trì (Khu đất dự án Hồ điều hòa, xã Tam Hiệp); Huyện Đông Anh (Trung tâm Thể dục thể thao Huyện). Ngoài ra, có 23 trận địa bắn pháo hoa tầm thấp tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
Thời gian bắn pháo hoa là 15 phút, từ 00 giờ 00 đến 00 giờ 15 ngày 10/2/2024 (tức đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn).
UBND thành phố yêu cầu sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa được huy động từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... Hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, triển khai thực hiện kế hoạch, cụ thể, tổ chức bắn pháo hoa đúng chương trình, thời gian quy định. Đồng thời, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông tại các điểm bắn pháo hoa trên toàn thành phố. Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt chỉ huy chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, trang bị trước, trong và sau khi bắn pháo hoa.
Bản tin Dân Việt Nóng 9/2: Người dân háo hức chờ đón màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật đêm giao thừa tại Hà Nội.
Cận cảnh trận địa pháo hoa mừng năm mới 2024 tại TP.HCM
Chiều 9/2 (30 Tết), hàng nghìn quả pháo hoa tầm cao, tầm thấp với đa dạng kích cỡ, dáng bắn đã được lắp đặt tại công viên hầm vượt sông Sài Gòn, sẵn sàng khai hỏa chào đón năm Giáp Thìn 2024 vào thời khắc giao thừa.
Điểm bắn pháo hoa tầm cao: Khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức), Khu tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).
Điểm bắn pháo hoa tầm thấp: Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), Khu truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (huyện Bình Chánh), Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), Đền tưởng niệm Bến Nọc (TP.Thủ Đức), Công viên Văn hóa quận Gò Vấp, Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Quảng trường Trung tâm hành chính quận 7, Công viên khu dân cư Bình Trị Đông (quận Bình Tân), Nhà văn hóa huyện Củ Chi.
Ngay khi pháo được cho vào ống, các chiến sĩ tiến hành đấu dây mồi lửa điện với thanh điều khiển. Đây là khâu cuối cùng trong quy trình lắp đặt pháo hoa.
Dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024
Trong khí thiêng của đất trời giao hòa đón xuân mới, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ngày 9/2 (tức 30 tháng Chạp), tại điện Kính Thiên, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ đã thay mặt cho đồng bào cả nước thành kính tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng.
Lễ dâng hương được tiến hành theo đúng nghi lễ truyền thống. Đội hình hành lễ lên Đền Thượng gồm tiêu binh mang cờ Tổ quốc, cờ Hội, vòng hoa, bồng súng; các thiếu nữ đội lễ vật và mang hương hoa; cùng với sự có mặt của ông Bùi Minh Châu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phùng Khánh Tài - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh.
Thay mặt đồng bào cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã dâng hương, hoa, lễ vật tại Thượng cung tri ân công lao các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Trước anh linh Quốc tổ Hùng Vương và các vị thánh thần phụng thờ theo Vua Tổ, thay mặt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang kính cáo với tổ tiên những thành quả đạt được trong năm qua.
Trong năm Quý Mão 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song dưới sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Đảng, Nhà nước cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, cùng chung sức, đồng lòng vượt khó, tranh thủ mọi thời cơ và thuận lợi, phát huy các tiềm năng, lợi thế vùng Đất Tổ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp vào những thành tựu chung của cả nước.
"Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các lĩnh vực xã hội tiếp tục được duy trì với nhiều kết quả tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Những kết quả này sẽ tạo động lực, tiền đề vững chắc để tỉnh Phú Thọ tiếp tục hướng tới các mục tiêu phát triển cao hơn trong thời gian tới" - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang nhấn mạnh.
Trước anh linh các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, thay mặt đồng bào cả nước, tỉnh Phú Thọ nguyện tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, nêu cao tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng của dân tộc, cùng nhau chung sức, đồng lòng, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và hùng cường. Tỉnh Phú Thọ nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng giàu mạnh; chăm lo xây dựng, tu bổ, tôn tạo lăng miếu Tổ tiên để con cháu Lạc Hồng đời đời thờ phụng.
Trong thời khắc thiêng liêng của năm mới đang đến gần, cầu mong Thánh Tổ phù hộ cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ, vạn đại trường tồn. Độ trì cho mưa thuận, gió hòa, nhân khang, vật thịnh. Cả nước vượt qua được khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Con cháu Lạc Hồng trên khắp mọi miền đất nước, kiều bào ta ở nước ngoài luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc.
Sau nghi lễ tại đền Thượng, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa trước Lăng mộ Tổ và các đền trong khu di tích.
Năm mới Giáp Thìn 2024: Hợp lực, bứt phá cho khát vọng vươn xa
Những ngày cuối cùng của năm cũ - thời điểm đẹp nhất để mỗi người, mỗi tổ chức, địa phương cùng đồng bào cả nước "lắng tâm", nhìn lại một năm vừa đi qua, kiểm đếm lại những thành công, trắc trở, rút ra những bài học đủ đầy để bước sang năm mới - Giáp Thìn 2024, với kỳ vọng đất nước có sự đổi thay căn cơ và toàn diện cho kinh tế, xã hội phát triển lên một tầm mới hiện đại hơn, đời sống nhân dân tiến nhanh về phía bình an, no đủ, làm giàu, hội nhập quốc tế ngày thêm sâu rộng trong một thế giới đa phương, đa cực, đa sắc màu.
Năm 2023, với nhiều "cơn gió ngược". Kinh tế đất nước chưa thể phục hồi hoàn toàn sau cú sốc đại dịch Covid-19. Sự suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu, gây gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, là nhu cầu nhập khẩu nông sản Việt Nam của các thị trường truyền thống rất khó đoán định. Lại thêm, những tồn tại, bất cập từ bên trong của nền nông nghiệp như sản xuất manh mún, liên kết theo chuỗi giá trị còn rời rạc, vốn đầu tư, vốn cho vay đối với các chủ thể trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp vẫn là điểm yếu cố hữu chưa được tháo gỡ có hiệu quả…, đã làm cho sức chống chịu của nông sản xuất khẩu trước những cú sốc từ bên ngoài thêm vất vả. Đã có không ít chuyên gia, người làm chính sách lo ngại về nguy cơ suy giảm kinh tế, nhưng kịch bản đó cho đến nay - không xảy ra!
Năm 2023, nông nghiệp, nông thôn đã trải qua một năm kiên cường hơn rất nhiều so với dự đoán nhờ các yếu tố cơ bản, vững chắc về "Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Từ đường hướng của Đảng, đã hội tụ đầy đủ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, sự nỗ lực vượt khó của người nông dân... làm cho nông nghiệp giữ vững vai trò bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân, với mức tăng trưởng 3,83%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,1 tỷ USD, thặng dư 12,07 tỷ USD, chiếm trên 42,5% giá trị xuất siêu cả nước. Về an sinh xã hội, đã có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,93%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân được nâng lên trên 94%.
Những thành tích lớn lao ấy, đã góp phần đắc lực vào tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế, đưa Việt Nam xếp trong nhóm những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2023. Qua đó, chúng thấy rõ hơn sức mạnh nội lực, khả năng chống chịu và mức độ đa dạng hóa của nước ta tiếp tục được cải thiện, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người ước đạt hơn 4.300 đô la Mỹ. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2024 theo chuẩn phân loại của Ngân hàng Thế giới.
Kinh tế thế giới năm 2024, được dự báo kém thuận lợi hơn so với năm 2023, do chứa đựng nhiều nhân tố gây bất ổn hơn - ngoài những nhân tố bất ổn hiện tại chưa đi qua. Trong bối cảnh đó, Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng 6-6,5% là một thách thức cam go, nhưng không phải là không thể đạt được - nếu hợp sức khơi thông nội lực, duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, giữ vững, cải thiện các cân đối của nền kinh tế. Thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, nền hành chính công vụ, khơi thông và tạo ra các động năng tăng trưởng kinh tế mới trên nền tảng đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh. Đột phá cải cách thể chế kinh tế một cách thực chất và sâu rộng để giải phóng các tiềm năng, kích hoạt các động năng đổi mới hệ thống chính trị; cải cách bộ máy và nâng cao năng lực quản trị nhà nước ở cấp trung ương lẫn địa phương.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lấy khoa học công nghệ làm khâu then chốt. Trong đó, công nghệ cần được phân ra nhiều tầng: Những công nghệ cao thích ứng với doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô sản xuất lớn; những công nghệ trung bình có thể dành cho những hợp tác xã, những nông trại; có những công nghệ vừa đủ dành cho nông hộ vừa và nhỏ… Chúng ta cần tìm kiếm những công nghệ có thể phủ được tất cả các tầng của nền kinh tế nông nghiệp, không đặc thù cho một nhóm đối tượng nào. Với quan điểm đó, toàn ngành kinh tế nông nghiệp, nông thôn phải chắt chiu từng cơ hội tiếp cận công nghệ để có thể tìm ra những công nghệ cho tăng năng suất, tăng chất lượng tốt hơn, kháng dịch bệnh tốt hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu nhanh hơn. Công nghệ đó phải có tính tuần hoàn tạo ra được nhiều giá trị, tăng thu nhập của người nông dân - lợi ích tối cao đó, là điểm hẹn của hợp sức, đột phá cho khát vọng vươn xa.
Xin chào năm 2023, cảm ơn những tháng ngày tươi đẹp đã nâng bước chúng ta chạy bền về phía dân giàu, nước mạnh, bình yên.
Xin chào năm 2024 - một năm mới với bao ước mơ, khát vọng và một sức sống mới bừng lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.