Vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới giật cấp 8 gần ngay biển Đông

L.V.S Thứ sáu, ngày 14/07/2023 10:56 AM (GMT+7)
Theo tin mới nhận nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.
Bình luận 0

Cập nhật tin áp thấp nhiệt đới mới nhất

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua 13/7, vùng áp thấp ở vùng biển phía đông khu vực miền Trung Philippines đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới giật cấp 8 gần ngay biển Đông - Ảnh 1.

Cập nhật vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF

Lúc 7h sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 7h sáng ngày 16/7, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực phía bắc Biển Đông, cách Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 310km về phía Đông Nam cường độ mạnh lên cấp 7, giật cấp 9.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, có khả năng mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 2-3m.

Ngày và đêm 15/7, ở vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển 2-4m, biển động mạnh.

Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Từ chiều tối nay đến sáng 15/7, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 40-70mm, có nơi trên 150mm.

Khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 70mm.

Từ chiều 14 đến 15/7, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm tập trung vào chiều và đêm.

Dự báo cụ thể diễn biến của áp thấp nhiệt đới trong 24 đến 48 giờ tiếp theo

Thời điểm dự báoHướng, tốc độVị tríCường độVùng nguy hiểmCấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)
07h/15/7Tây Bắc, 15-20 km/h19,7N-119,6E; trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin), khoảng  160km về phía Tây Bắccấp 6-7, giật cấp 8-917,5-21,5N; phía Đông kinh tuyến 118,0ECấp 3: phía Đông  khu vực Bắc Biển Đông
07h/16/7Tây Bắc, 15-20 km/h21,2N-116,7E; trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 310km về phía Đông Namcấp 7, giật cấp 9Phía Bắc vĩ tuyến 18,0N; phía Đông kinh tuyến 114,0ECấp 3: phía Đông  khu vực Bắc Biển Đông

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, có khả năng mạnh thêm.

Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới:

Gió mạnh

Trên biển: Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Biển động. Nước dâng, sóng lớn : Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 2,0-3,0m.

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên

Vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới giật cấp 8 gần ngay biển Đông - Ảnh 3.

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên. Ảnh minh họa.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố, các Bộ:

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 17,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 118,0; trong 48 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 18,0, phía Đông kinh tuyến 114,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Rà soát các hoạt động trên biển, nuôi trồng thuỷ hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của ATNĐ.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của ATNĐ đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. 

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem