Cập nhật tin bão số 2: Miền Trung mưa lớn, gió giật mạnh, vì sao bão tên là Talas

Hà Linh (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 16/07/2017 21:28 PM (GMT+7)
Các cơn bão nhiệt đới được đặt tên từ đầu thế kỷ 20, tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các nhà dự báo thời tiết và công chúng trong việc theo dõi và cảnh báo, tránh nhầm lẫn giữa các cơn bão.
Bình luận 0

img

Ảnh mây vệ tinh cơn bão số 2.

Không như ở Việt Nam nơi các cơn bão được đặt tên theo số thứ tự của nó trong năm, trên thế giới bão thường mang tên phụ nữ, và sau này cả tên nam giới. Riêng ở tây bắc Thái Bình Dương, bão còn mang tên hoa lá, động vật...

Các cơn bão nhiệt đới được đặt tên từ đầu thế kỷ 20, tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các nhà dự báo thời tiết và công chúng trong việc theo dõi và cảnh báo, tránh nhầm lẫn giữa các cơn bão.

Người ta cho rằng tên của các bão lần đầu tiên xuất hiện là do một nhà dự báo thời tiết của Australia. Ông đặt tên bão theo tên của những chính trị gia mà ông ghét nhất. 

Trong Thế chiến II, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương được đặt tên không chính thức theo tên của phụ nữ. Nguyên tắc bất thành văn này do đoàn dự báo thời tiết của Lục và Hải quân Mỹ đề ra, và thường lấy tên vợ hoặc bạn gái của các nhà dự báo. Từ năm 1950 đến 1952, các cơn bão ở bắc Đại tây dương được đặt tên theo thứ tự bảng chữ cái (Able-Baker-Charlie- ...), nhưng từ năm 1953, cơ quan khí tượng Mỹ lại chuyển sang dùng hệ tên phụ nữ.

Năm 1979, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan khí tượng Mỹ (NWS) thống nhất sử dụng tên bão gồm cả tên nữ và nam giới.

Các cơn bão ở lòng chảo đông bắc Thái Bình Dương được đặt theo tên phụ nữ từ năm 1959-1960. Năm 1978, cả hai loại tên đều được sử dụng. Ở vùng bắc Ấn Độ Dương, các bão nhiệt đới không được đặt tên. Tại tây nam Ấn Độ Dương, bão lần đầu có tên vào mùa 1960-61. Vùng Australia và nam Thái Bình Dương, tên phụ nữ được lấy làm tên bão từ năm 1964, và 10 năm sau thì tên của nam cũng được dùng.

Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở lòng chảo tây bắc Thái Bình Dương (khu vực mà Việt Nam nằm trong) được đặt theo một danh sách các tên mới lạ. Những tên mới bổ sung bao gồm các tên châu Á, được lấy từ các nước và vùng lãnh thổ là thành viên của WMO trong khu vực. Mỗi trong số 14 thành viên cung cấp 10 cái tên, tạo thành danh sách 140 tên bão.

Những tên này có hai điều khác biệt so với tên bão ở các nơi trên thế giới. Thứ nhất, hầu hết chúng không phải là tên riêng của người, mà thường là tên hoa, động vật, chim, cây cỏ hay thậm chí tên món ăn. Thứ hai, các tên này không được đặt tuần tự theo thứ tự chữ cái, mà theo thứ tự chữ cái của tên các nước.

Các cơn bão đang hình thành ở khu vực này sẽ được Trung tâm Bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đặt tên.

Cơn bão số 2, có tên là Talas được đặt tên theo đề xuất của Philippines. Việt Nam cũng từng đề xuất đặt tên nhiều cơn bão như Lekima, Hải Yến (Haiyan)...

img

Người dân miền Trung chằng chống thuyền để chống bão.

Trong khi đó, theo bản tin dự báo lúc 21 giờ hôm nay của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương:

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, Bãi Cháy có gió giật mạnh cấp 7, đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh cấp 8, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) giật cấp 8; ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, một số nơi có mưa rất to như Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 247mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 180mm, Ba Đồn (Quảng Bình) 177mm, Tân Mỹ (Quảng Bình) 206mm, Cồn Cỏ (Quảng Trị) 291mm,… 

Hồi 20 giờ ngày 16/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa-Hà Tĩnh khoảng 160km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-12. 

Trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, duy trì cấp bão với gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 10-12 khi đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Đến 07 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10. 

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới này tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. 

Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12; sóng biển cao từ 4-5m, vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sóng cao từ 2-4m; Biển động rất mạnh. 

Trong đêm nay và sáng ngày mai (17/7), trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12; ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-8. 

img

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3. 

Từ ngày 16/7 đến ngày 18/7 ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to: Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh 300-400mm; các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Quảng Bình 150-250mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên 100-200mm; các khu vực khác của Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Trị-Thừa Thiên Huế 50-150mm. 

Từ ngày 17-20/7, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng với biên độ lũ lên từ 2-3m, trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh biên độ lũ lên từ 4-6m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái ở mức BĐ2; sông Hoàng Long tại Bến Đế ở mức BĐ1; trên sông Hiếu (Nghệ An), sông Bưởi và thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) ở mức BĐ1 và trên BĐ1; trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) ở mức BĐ1-BĐ2; hạ lưu sông Mã và sông Cả còn dưới mức BĐ1. 

Lũ lớn trên các sông suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh. 

Trong đêm nay và sáng mai (17/07), khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem