Cáp treo trong đô thị: Có phải là trò đùa điên rồ?

KTS Trần Huy Ánh - Hội viên Hội KTS Việt Nam Thứ bảy, ngày 14/01/2017 14:00 PM (GMT+7)
Đề xuất cáp treo tại cửa ngõ sân bay khi công bố gặp nhiều ý kiến trái chiều, nhưng có 3 lợi ích rõ ràng: Thi công nhanh, giá thành rẻ và có thể tháo lắp dễ dàng để chuyển tới nơi khác.
Bình luận 0

Ý tưởng xây dựng cáp treo để giải thoát ùn tắc cho khu vực sân bây Tân Sơn Nhất đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều chuyên gia khắp cả nước. Để rộng đường dư luận, Dân Việt sẽ mở diễn đàn về vấn đề này và nhận tất cả các ý kiến tranh luận của độc giả tại email thoisu@danviet.vn với chủ đề "Cáp treo trong đô thị có phải là trò đùa điên rồ?"

Để mở màn diễn đàn, chúng tôi xin đăng tải bài viết dưới đây của KTS Trần Huy Ánh, ông chính là người từng đề xuất giải pháp dùng cáp treo để giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất từ tháng 9.2016 khi trao đổi với báo chí.  

3 lợi thế của cáp treo đô thị

Về thi công nhanh thì rõ ràng việc làm cáp treo sẽ không ảnh hưởng ách tắc bởi toàn bộ kết cấu thép làm nơi khác, phần nền móng và lắp ráp làm vào ban đêm. Giống như chúng ta phải phẫu thuật cho bệnh nhân trong khi họ vẫn phải hoạt động bình thường.

img

Cột cáp treo trên đường phố Medellin đã thu gọn lòng đường, mở rộng vỉa hè cho người đi bộ và trồng mới 1.000 cây xanh. Nguồn: Univerciti.CA; Hanoidata SR&BT

Giá thành rẻ: Tuyến cáp treo Metrocable Medellin (Colombia) dài 4,6 km xây dựng với ngân sách 23 triệu USD (500 tỷ VND). Với chiều dài tuyến cáp còn 1-2 km có thể giảm đi một nửa.

Cáp treo là một hệ thống linh hoạt: Xét về cấp bách cũng như lâu dài, cáp treo đều đáp ứng. Nó có thể là giải thoát tức thời đồng bộ với các hình thức khác: Ga tập kết khách chuyển từ xe bus taxi từ bên ngoài/đa hướng thay vì dồn vào vào một hành lang duy nhất.

Nó có thể dùng trong lúc thi công các tuyến ngầm nổi hay trên cao hay metro (các dự án này nhanh thì 1-2 năm, chậm thì vài năm hoặc vài chục năm). Nếu hết nhiệm vụ, có thể tháo dỡ cáp treo lắp cho bà con vùng sâu vùng xa hay vượt qua sông núi, đầm lầy, rừng cây đâu có thừa?

Nếu có doanh nghiệp nào có tiềm lực thực sự cho thành phố thuê, ăn chia dịch vụ vận chuyển xa gần… thì đây cững là khơi nguồn mô hình mới: Xã hội hóa đầu tư thay vì chỉ trông vào một "miếng bánh" ngân sách vốn ít ỏi lại bị giằng xé bởi mê hồn trận lý lẽ không tên, tranh luận miết mà không có hồi kết.

img

Đề xuất của Sở GTVT TP.HCM. Nguồn: Đồ họa Trí Mai, Zing.vn; Hanoidata ST&BT

Khi đề xuất phương án, chúng tôi cũng đã gửi cho TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia và các chuyên gia giao thông đô thị Việt Nam và quốc tế, chúng tôi cũng nhận được những tài liệu do UN Habitat xuất bản, trong đó có bài học thành công, đem lại lợi ích nhiều mặt của nhiều thành phố trên thế giới đã sử dụng Metrocable. Họ đều khẳng định cáp treo đã làm thành phố của họ khởi sắc, thoát ra những cạm bẫy vay nợ triền miên bởi các tập đoàn đầu tư hay các định chế tài chính khổng lồ - nơi mà các vấn nạn đô thị là miếng mồi ngon để họ bắt chẹt.

Cầu Long Biên từng bị coi là dự án “điên rồ”

Cầu Long Biên đã soi bóng trên sông Hồng hơn 1 thế kỷ, nó đã ọp ẹp và già nua nhưng nó cũng đã  đi qua 2 cuộc kháng chiến, bị bom Mỹ đánh phá ác liệt và hoàn thành sứ mạng của mình một cách xuất sắc. Nhưng ít người biết người chủ xướng xây cầu là Paul Doumer đã phải đối mặt với những ý kiến phản đối, hoài nghi và chế giễu như thế nào.

Tờ báo Thư tín Hải Phòng (Courries de Haiphong) viết: “Khi xây một cây cầu, người ta phải biết nó có dùng được hay không, liệu nó có bắc ngang một con sông hay không. Thế nhưng ông ta (Paul Doumer-TG) không nghĩ tới điều đó, không nghĩ tới sự thay đổi liên tục của sông Hồng. Ông ta không nghĩ tới việc con sông tính khí thất thường này luôn thay đổi dòng chảy.

Hơn nữa ông ta phải biết là toà công sứ tỉnh Hưng Yên đã bị dòng sông nuốt chửng, phải biết trong tỉnh Sơn Tây có một dòng sông cũ cách con sông hiện nay 5km, có biết rằng một sáng mở mắt ra ngưòi ta sẽ thấy một cây cầu đẹp nằm trên đất chắc chắn cách dòng sông cái quỷ quái hàng trăm mét”.

Người Pháp đã vậy, các quan Việt Nam lúc ấy thì cho rằng không thể thực hiện được. “Đặt một cây cầu trên sông Hồng à? Thật điên rồ! Y như việc chồng núi này lên núi kia để lên trời. Một con sông rộng như biển, sâu tới 20 mét, cộng thêm 8 mét nước nữa vào mùa lũ, dòng nước sẽ cuốn phăng mọi thứ - không gì chống đỡ nổi…”.

img

Bên ngoài các ga cáp treo là các không gian công cộng được nâng cấp. Bình quân diện tích KGCC/người tăng hơn 2,5 lần cùng với hệ thống Metrocable  nằm trong chương trình tái cấu trúc không gian thành phố. Nguồn: flickr.com; Hanoidata SR&BT

Vượt qua những lời chỉ trích của giới thương gia và quan chức ngưòi Pháp và ngưòi Việt, cây cầu đã được hoàn thành sau 3 năm 7 tháng (hạn định là 5 năm) với chi phí thấp hơn tín dụng đã duyệt là 6,2 triệu frances, trích từ công trái Đông Dương. 

Cho đến nay, cả hai thành phố lớn nhất đất nước đang đối mặt với vấn nạn ách tắc giao thông và ngập úng, ô nhiễm. Những đề xuất sáng tạo hay điên rồ có ranh giới rất mỏng manh. Hy vọng trí tuệ của đông đảo người Việt sẽ có được quyết định chính xác, hiệu quả

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem