Dưới trướng vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) có không ít tướng tài nhưng đặc biệt nhất có lẽ là cặp vợ chồng võ tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Trần Quang Diệu (1746-1802) người làng Kim Giao, xã Liên Chiểu (nay thuộc xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) nhưng một số tài liệu lại cho rằng ông tên Trần Văn Đạt, là người ở làng An Hải (trước thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam nay thuộc quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Còn bà Bùi Thị Xuân (chưa rõ năm sinh-1802) quê ở làng Phú Xuân (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định).
Cả hai nên duyên trong một lần Trần Quang Diệu bị hổ tấn công khi đang trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa. Bùi Thị Xuân thấy Trần Quang Diệu đã bị thương liền ra tay tương trợ, rút kiếm chém chết hổ. Sau đó, bà Xuân còn giúp Trần Quang Diệu trị thương, trong quá trình đó cả hai đã nảy sinh tình cảm và quyết định trở thành vợ chồng.
Trần Quang Diệu vốn nằm trong "Tây Sơn Thất Hổ Tướng", là một trong những người đầu tiên tham gia vào phong trào Tây Sơn. Ông phò tá Nguyễn Nhạc từ những ngày đầu cho đến khi xưng đế, sau đó là phò tá Nguyễn Huệ và cả người con trai kế vị Nguyễn Huệ là Nguyễn Quang Toản (vua Cảnh Thịnh, đăng cơ khi mới 10 tuổi).
Bà Bùi Thị Xuân xuất thân là cháu của thái sư Bùi Đắc Tuyên, vừa xinh đẹp lại vừa giỏi võ nghệ, thông thạo bắn cung, cưỡi ngựa và có biệt tài luyện voi. Bà là nữ tướng chỉ huy đội tượng binh, tự tin phong mình là "Tây Sơn nữ tướng". Nguyễn Huệ không chỉ thừa nhận danh xưng này mà còn ban tặng thêm bốn chữ "Cân quắc anh hùng", nghĩa là bậc nữ lưu có khí phách.
Vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân lập được vô số chiến công cho nhà Tây Sơn nhưng đáng tiếc là vào năm 1802, trong một trận ác chiến ở Nghệ An, cả hai cùng người con gái 15 tuổi đã bị bắt trên dọc đường rút quân ra Bắc. Vì không chịu đi theo vua Gia Long nên cả nhà ba người sau đó đều bị xử tội chết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.