Cắt bỏ “bệnh đổ thừa”

Xuân Tuyến Thứ năm, ngày 09/10/2014 05:30 AM (GMT+7)
Việt Nam chúng ta cơ chế lãnh đạo là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo trên cơ sở thực hiện nghị quyết của cấp ủy Đảng. Điều đó có cái tích cực là các quyết sách đã được bàn thảo kỹ càng, rồi thì tránh được duy ý chí, cá nhân...
Bình luận 0

Nhưng cũng chính vì cơ chế nêu trên khi mà những quyết định đúng đắn thì không sao, trái lại những quyết sách hoặc sự điều hành sai, hoặc kém hiệu quả thì không biết quy trách nhiệm cho ai mà thường là mang cả tập thể lãnh đạo ra để kiểm điểm và thông thường là đưa ra một hình thúc kỷ luật cũng rất chung chung là phê bình, hoặc khiển trách tập thể lãnh đạo, cấp ủy mà không đích danh một ai cả. Cứ như vậy lâu dần hình thành một nếp nghĩ là khi đã đứng đầu một bộ, ngành một địa phương thì dù công tác điều hành quản lý tốt hay yếu kém, thậm chí có những việc sai phạm thì người đứng đầu vẫn vô can, vì đã có tập thể chịu trách nhiệm.

Trên các diễn đàn từ trung ương đến địa phương chúng ta đã quá quen với cái điệp khúc là để giải quyết một vấn đề nóng, bức xúc nào đó, thì người có trách nhiệm lại hô hào rằng "tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc". Nghe qua thì tưởng rằng đó là quyết tâm rất cao, rất quyết liệt, nhưng thực tế lại không có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính cả, vì hệ thống chính trị là cái gì cũng rất chung chung, không khác gì trong một ngôi chùa khi tối đến thì sư cụ ra lệnh rằng tối nay phải đóng cửa chùa và rốt cuộc thì không ai đóng cả vì ai cũng nghĩ là sư cụ không sai mình.

Đã đến lúc phải có quy định cụ thể rõ ràng về trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương. Và mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm các thành viên chính phủ và các bộ trưởng để nêu cao trách nhiệm cá nhân. Ông Nguyễn Văn Hiện- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng nếu cái gì bộ trưởng cũng xin ý kiến Chính phủ thì cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm. Trên thực tế rất nhiều vụ việc rất nhỏ nhưng các bộ, địa phương không xắn tay giải quyết dứt điểm mà đẩy lên cho Thủ tướng vì sợ trách nhiệm.

Đi đôi với việc xác định trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thì phải khẩn trương hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế miễn nhiệm, từ chức, để nếu ai làm sai hoặc không làm tròn trách nhiệm thì xin mời từ chức, nếu không thì miễn nhiệm để không còn chỗ để mà đổ thừa nữa.

Căn bệnh đổ thừa, có lẽ đã đến lúc cần được cắt bỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem