Cắt giảm chi phí: Bước khởi đầu cho tái cấu trúc doanh nghiệp

Thứ hai, ngày 27/02/2012 18:55 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc công bố cắt giảm chi phí từ 5-10% của các tập đoàn, tổng công ty trong những ngày vừa qua được đánh giá là động thái đầu tiên của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với TS Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Những ngày gần đây, liên tục các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) rầm rộ công bố kế hoạch cắt giảm 5-10% chi phí quản lý. Liệu có thể coi đây là bước khởi động cho quá trình tái cấu trúc DNNN?

- Tôi cho rằng quá trình tái cấu trúc hiện nay có 3 bước cần phải thực hiện. Bước thứ nhất là đánh giá thực trạng của DNNN như điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố nào cần phát huy, yếu tố nào cần loại bỏ…

img
Tập đoàn Dệt may đã tuyên bố tiết kiệm và cắt giảm chi phí.

Bước thứ hai là xây dựng tiêu chí, xây dựng mô hình để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động có tính cạnh tranh. Bước thứ ba là áp dụng những giải pháp để cấu trúc lại. Tất cả cần phải theo quy trình và triển khai triệt để, rành mạch, rõ ràng. Do đó, việc giảm chi phí liên quan đến cả 3 bước của quá trình tái cơ cấu, và có thể coi là nhân tố quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho một bước đi dài của quá trình tái cơ cấu.

Vậy, nếu coi đây là bước chuẩn bị thì theo ông liệu đã đúng và trúng hướng chưa. Liệu việc cắt giảm 5-10% chi phí có đem lại kết quả thiết thực cho quá trình tái cấu trúc?

- Tôi đánh giá đây là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, đòi hỏi phải cắt giảm một cách thực chất, triệt để mới đem lại kết quả tốt.

Lâu nay các DNNN luôn được ưu ái nên việc đầu tiên cần phải làm để tái cấu trúc một cách hiệu quả là phải đòi hỏi doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế “lời ăn, lỗ chịu”. Theo ông, các DNNN hiện nay sẽ đáp ứng với yêu cầu này ở mức nào?

- Chắc chắn là các DNNN sẽ phải hoạt động theo hướng như vậy. Hiện tại chưa thể làm theo hướng đó hoàn toàn, vì chúng ta còn nhiều ưu đãi như trụ sở, đất đai, cán bộ… nhưng thời gian tới cần cắt dần và không có tình trạng tập trung cho DNNN nữa mà sẽ để hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Các DNNN phải đáp ứng thì mới có thể tồn tại được.

Chúng ta đã cổ phần rồi, nếu các DNNN không chịu làm thì các cổ đông họ cũng ép phải làm. Chẳng hạn như yêu cầu thoái vốn là từ nay đến 2015 là phải thoái hết hoàn toàn, và không cho phép mở rộng ra ngoài ngành nữa. Do đó nếu không thích nghi được thì phải giải thể, sẽ không thể tồn tại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tái cấu trúc thì phải loại bỏ được lợi ích nhóm nếu không thì việc tái cấu trúc vẫn chỉ là hình thức?

- Tôi cho đây là điều không thể xem nhẹ vì gần như là cốt lõi của vấn đề, đòi hỏi tới sự công khai, minh bạch. Chúng ta có đánh giá chính xác thực trạng rồi, có quy trình và giải pháp tốt rồi nhưng rất cần phải công khai để mọi người ở ngoài giám sát. Nếu không có cơ chế giám sát thường xuyên, cụ thể thì rất dễ dẫn đến tình trạng “hòa cả làng” và sự tiêu cực rất dễ xảy ra. Bao giờ một chính sách ban hành ra cũng cần cơ chế khuyến khích và xử phạt.

“Tái cấu trúc là một sự hy sinh, tổn thất, động chạm tới lợi ích của nhiều thành phần nên rất cần một cơ chế đặc thù giám sát chặt chẽ”.

Một trong những nội dung của đề án tái cấu trúc DNNN đang được cân nhắc đó là tìm ra các phương án hợp lý để kiểm soát hoạt động của các DNNN, trong đó có thể lập bộ quản lý, lập TCT đầu tư vốn nhà nước và lập một TCT chịu trách nhiệm chính. Quan điểm của ông như thế nào?

- Đây là một vấn đề rất khó, rất phức tạp vì nó động chạm tới lợi ích của nhiều thành phần trong xã hội. Chính vì vậy tôi cho rằng rất cần phải có một cơ quan chuyên môn, độc lập, thoát khỏi những sự quản lý, ràng buộc của các đơn vị. Tôi biết hiện nay đang có 2 xu hướng.

Chúng tôi là những chuyên gia kinh tế thì muốn có một cơ quan độc lập để tránh sự “bắt tay, thương lượng” giữa các cơ quan, bộ ngành với nhau. Cơ quan này có thể Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, và có sự giám sát của Đảng chứ không thể “phóng sinh” để bộ ngành nào muốn thực hiện thế nào cũng được. Nhưng theo tôi biết hiện nay, Chính phủ vẫn đang muốn để các bộ ngành làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem