Cậu bé nhận diện nhầm khiến người đàn ông chịu án oan

Thứ bảy, ngày 20/06/2020 12:33 PM (GMT+7)
"Vết sẹo tuổi thơ" hằn trong tâm trí, ám ảnh David Leon khi cậu trốn đi chơi và bị xâm hại tình dục.
Bình luận 0

Tối 29/10/1983, David được mẹ đưa đi lễ nhà thờ tại thành phố Tucson, bang Arizona nhưng cậu bé lại bị hấp dẫn bởi lễ carnival đang diễn ra gần đó. David nhân lúc mẹ không để ý đã trốn đi chơi hội.

Tới nửa đêm, người mẹ nhận được điện thoại từ nhà thờ nói tìm thấy David trong tình trạng tâm lý bị sốc, quần áo bị lộn trái và rách nát. Thấy con trai nói bị gã đàn ông lạ mặt bắt cóc và xâm hại, người mẹ đưa đi khám.

Tại bệnh viện, David mô tả hung thủ là người da đen, một mắt bị tật. Hắn nhờ David giúp chuyển đồ lên ôtô và hứa trả công 5 USD. Chờ cậu bé tới gần, gã đẩy em vào xe, chở tới chỗ vắng xâm hại.

Nhận tin báo, lực lượng chức năng làm mọi thứ đúng quy trình. Họa sĩ vẽ chân dung nghi phạm theo mô tả của David. Cảnh sát ghi chép thương tích và giữ lại quần áo. Bác sĩ dùng bộ kit chuyên dụng để lấy mẫu như tóc và dịch cơ thể của cậu bé. Việc còn lại lúc này là truy tìm thủ phạm.

Rà soát người có đặc điểm tương tự, cảnh sát xác định Larry Youngblood, người có tiền án Cướp tài sản từ 10 năm trước, bị tật một mắt, hiện sống trong thành phố Tucson. 9 ngày sau vụ án, cảnh sát tập hợp ảnh của Larry với 5 người khác, tất cả đều bị che đi một bên mắt và đưa cho David nhận dạng.

Sau một hồi quan sát, cậu bé chọn ra Larry.

Cậu bé nhận diện nhầm khiến người đàn ông chịu án oan - Ảnh 1.

Bộ ảnh nhận dạng do cảnh sát lập nên, Larry Youngblood ở góc trên bên phải. Ảnh: PBS.

Dù khẳng định ngủ tại nhà bạn gái tại thời điểm xảy ra vụ án, Larry vẫn bị khởi tố về tội Xâm hại trẻ em, Tấn công tình dục và Bắt cóc. Larry và luật sư muốn giám định mẫu dịch dính trên quần nạn nhân nhưng phát hiện cảnh sát đã không lưu trữ vật chứng trong tủ đông, mẫu vật từ đó bị hủy. Lúc này, công nghệ chưa phát triển nên không thể xét nghiệm ADN với những mẫu vật khác.

Ngay từ đầu, mô tả của David không trùng khớp hoàn toàn với đặc điểm của bị cáo. Cậu bé kể ôtô của kẻ bắt cóc có hai cửa, trong khi xe của Larry là loại có bốn cửa. Thủ phạm được mô tả có dải tóc màu bạc, nhưng tại tòa, chuyên gia tạo mẫu tóc làm chứng rằng tóc của Larry chưa bao giờ được nhuộm hoặc bạc màu. David không mô tả hung thủ đi khập khiễng, nhưng một chân của Larry ngắn hơn chân kia. Ngoài ra, nạn nhân khẳng định gã đàn ông bật nhạc đồng quê trong xe, trong khi mọi người quen đều biết Larry không ưa thể loại này.

Tuy vậy, phiên tòa vẫn xét xử vẫn đi theo hướng bất lợi cho Larry. Ví dụ, để cho thấy David có thể nhận dạng nhầm, bên bào chữa gọi bác sĩ mắt tới làm chứng về độ cận thị của cậu bé, nhưng bác sĩ giải thích cho bồi thẩm đoàn rằng mắt của David đủ tốt để được phép lái xe sau này.

Tiếp theo, nhà khoa học do bên bào chữa gọi tới làm chứng rằng nếu cảnh sát bảo quản quần áo của nạn nhân, xét nghiệm có thể chứng minh tinh trùng dính trên đó không phải của Larry. Nhưng khi bị công tố viên hỏi, nhà khoa học này lại thừa nhận xét nghiệm cũng có thể không gỡ tội cho Larry.

Năm 1985, bồi thẩm đoàn ra phán quyết Larry phạm tội như cáo buộc, phạt 10 năm 6 tháng tù.

Trong đơn kháng cáo, luật sư của Larry lập luận việc cảnh sát làm hỏng chứng cứ có thể gỡ tội đã xâm phạm quyền được xét xử đúng quy trình; hơn nữa không có chứng cứ liên kết hành vi của Larry với cáo buộc phạm tội.

Tòa phúc thẩm bang Arizona đồng ý với lập luận này, xác định dù cảnh sát không có ác ý khi không bảo quản vật chứng nhưng việc hủy án là cần thiết để tránh "phiên tòa bất công". Hai năm sau khi bị kết án sơ thẩm, Larry tạm thời được trả tự do vào năm 1986 chờ kết quả kháng cáo.

"Thắng lợi" này của Larry hết sức ngắn ngủi. Sau khi vụ án được tòa tối cao liên bang lấy lên xem xét vào năm 1988, 6 trong 9 thẩm phán tòa tối cao nhất trí khôi phục bản án với Larry vì nhận định bị cáo không bị xâm phạm quyền được xét xử đúng quy trình hợp lý. Theo phán quyết, cơ quan chức năng không có nghĩa vụ bảo quản chứng cứ có tính chất "có thể gỡ tội". Quyền của Larry chỉ được coi là bị xâm phạm nếu cảnh sát cố ý hủy vật chứng để ngăn xét nghiệm.

Trong khi đó, ba vị thẩm phán có ý kiến phản đối lại cho rằng "Hiến pháp yêu cầu bị cáo phải được xét xử công bằng, không chỉ đơn thuần là sự cố gắng "thiện chí" để đạt được phiên xét xử công bằng". Với nhận định thà để kẻ có tội tự do còn hơn kết án người vô tội, ba thẩm phán chung quan điểm "chứng cứ trong vụ án chưa thuyết phục", khả năng Larry được gỡ tội "tương đối cao".

Dù vậy, đây vẫn chỉ là ý kiến thiểu số, bản án của Larry vẫn được khôi phục.

Sau một lần kháng cáo nữa tại tòa tối cao bang Arizona nhưng không thành công, Larry phải hoàn thành bản án 10 năm 6 tháng tù. Khi ra tù, Larry bị lưu tên trong hệ thống quản chế tội phạm xâm hại tình dục. Năm 1999, ông bị bạn gái đuổi ra khỏi nhà, 5 tháng sau bị bắt vì không khai báo địa chỉ mới theo yêu cầu của hệ thống quản chế.

Lúc này, công nghệ ADN đã đạt bước đột phá. Nhân vụ bắt giữ, luật sư của Larry yêu cầu xét nghiệm mẫu tinh trùng ít ỏi còn nguyên vẹn từ 16 năm trước. Kết quả xét nghiệm cho thấy Larry không phải chủ nhân của mẫu tinh trùng lạ. Ngày 9/8/2000, Larry cuối cùng được hủy án và được công nhận là người vô tội.

Nhưng nếu Larry vô tội, ai là hung thủ xâm hại David? Trong vòng 16 tháng tiếp theo, vụ án không có lời giải cho tới khi mẫu ADN lạ được nạp vào cơ sở dữ liệu tội phạm quốc gia. Kết quả của mẫu trùng khớp với Walter Calvin Cruise, khi ấy đang ngồi tù tại bang Texas vì tội danh liên quan tới cocaine.

Walter có hai tiền án về xâm hại trẻ em và bị tật một mắt, giống mô tả của nhân chứng.

Cậu bé nhận diện nhầm khiến người đàn ông chịu án oan - Ảnh 2.

Walter Calvin Cruise (trái) và Larry Youngblood. Ảnh: PBS.

Sau khi được di lý tới thành phố Tucson để bị xét xử vào năm 2002, Walter bị kết án 24 năm tù. Tại tòa, Walter cho biết thường say rượu tới mức không biết gì và "xin lỗi vì mọi hành động đã làm tổn thương tới người khác".

Theo The Atlantic, dù ngắn ngủi, lời xin lỗi của hung thủ vẫn ý nghĩa hơn cách cư xử của bang Arizona với Larry. Trước khi được mang mẫu ADN đi xét nghiệm, Larry phải ký giấy từ bỏ quyền khởi kiện công tố viên, phòng cảnh sát, hoặc bộ tư pháp bang để đòi bồi thường oan sai. Kể cả khi ra quyết định hủy án, cơ quan công tố vẫn nhấn mạnh không làm gì sai vì "đã truy tố bị cáo dựa trên chứng cứ tốt nhất có sẵn lúc đó".

Tòa tối cao liên bang cũng chưa bao giờ xin lỗi Larry. Thậm chí, từ khi Larry được minh oan, tòa tối cao vẫn căn cứ phán quyết khi ấy để giải quyết ít nhất ba vụ án khác theo hướng có lợi cho cơ quan công tố.

Trong giới nghiên cứu luật pháp, phán quyết tòa tối cao liên bang về sự việc của Larry đã trở thành đối tượng bị chỉ trích. Một bài viết năm 1989 trong Tạp chí khoa học pháp lý Harvard về quyền tự do dân sự đã cho rằng cách phân tích của tòa "không hợp lý về lý thuyết và đã làm suy yếu chế định bảo vệ bị cáo". Ba bài viết khác cũng có nhận định tương tự.

Sau khi tự do, Larry phải ăn xin trong những năm cuối đời trên đường phố Tucson. Năm 2003, ông ta bị bắt vì rút dao đe dọa nhân viên tiệm ăn nhanh. Bốn năm sau, Larry chết ở tuổi 54 vì dùng ma túy quá liều sau thời gian dài sống trong tình cảnh vô gia cư mà chưa bao giờ nhận được tiền bồi thường.

Nạn nhân David Leon cũng không có cuộc sống êm đẹp. Bị xâm hại từ lúc 10 tuổi, David mang theo vết sẹo tâm lý và trở thành con người bạo lực với hai tiền án đánh bạn gái. David là người rất nóng nảy, dường như "giận dữ với cả thế giới", cán bộ quản chế nhận xét.

Năm 2004, David chết do bị tàu hỏa đâm và được xác định đã say xỉn khi gặp nạn.

Quốc Đạt (Theo Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem