Câu chuyện hậu ly hôn và "môn học" Đạo đức qua lời kể của thạc sĩ Việt ở Australia

Tào Nga Thứ ba, ngày 11/01/2022 12:58 PM (GMT+7)
Bố mẹ tuy ly hôn nhưng con cái vẫn nhận được tình yêu, sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ. Thậm chí khi con cái có buổi biểu diễn ở trường, có những sự kiện quan trọng khác trong cuộc sống, luôn thấy sự hiện diện của cả bố và mẹ.
Bình luận 0

Thạc sĩ Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên sống tại Sydney, Australia. Chị có 2 con trai là Subi (sinh năm 2014), Subo (sinh năm 2017) và được biết đến với nhiều bài viết chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thạc sĩ Hà Trang vô cùng xót xa trước vụ việc bé gái 8 tuổi bị bố và người tình của bố hành hạ. 

Liên quan đến vụ việc này, thạc sĩ Hà Trang chia sẻ thêm về câu chuyện hậu ly hôn ở Australia: "Ly hôn là vấn đề cá nhân, do vậy, mối quan hệ giữa hai người đã ly hôn và cách nuôi dạy con ở mỗi cặp đôi, mỗi cá nhân là mỗi khác.

Nói về cách thức thì tòa án sẽ tôn trọng sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng về vấn đề nuôi con trước tiên, sau đó nếu hai vợ chồng không đi đến ý kiến đồng nhất, khi ấy tòa sẽ xem xét các yếu tố để đưa ra phân xử cuối cùng.

Câu chuyện hậu ly hôn và "môn học" Đạo đức qua lời kể của Thạc sĩ Việt ở Australia - Ảnh 1.

Thạc sĩ Hà Trang hiện đang sinh sống tại Australia. Ảnh: NVCC

Nói về thái độ giữa các cặp ly hôn trong việc nuôi dạy con, như đã nói ở trên, mối quan hệ giữa vợ chồng đã ly hôn và cách nuôi dạy con ở mỗi người cha người mẹ là khác nhau. Tuy nhiên, ở Australia dễ dàng nhìn thấy nhiều cặp đôi giữ một mối quan hệ tốt đẹp hậu ly hôn. Bố mẹ tuy ly hôn nhưng con cái vẫn nhận được tình yêu, sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ. Thậm chí khi con cái có buổi biểu diễn ở trường, có những sự kiện quan trọng khác trong cuộc sống, luôn thấy sự hiện diện của cả bố và mẹ. 

Rất nhiều cặp đôi dù đã ly hôn và đi bước nữa, nhưng khi con cái có sự kiện nào đó, hai bố mẹ đều đến dự và có cách ứng xử lịch thiệp như những người bạn. Mối quan hệ tốt đẹp đó đồng thời được duy trì trong mối quan hệ với nhà vợ/chồng cũ. Họ nhìn nhận ly hôn là chuyện của vợ - chồng, chứ không phải việc của bố mẹ và con cái. Vì vậy, việc hai người không còn thấy phù hợp với nhau, thì đó là việc cá nhân của hai người. 

Dẫu có chia tay, vai trò của người cha, người mẹ với con cái là không đổi và con cái không phải là nơi để trút mọi giận hờn sau một mối quan hệ không còn phù hợp. Và khi cha mẹ dù không còn ở với nhau, nhưng vẫn đủ tôn trọng nhau để duy trì một mối quan hệ hậu ly hôn bình thường thì con cái sẽ là người được hưởng lợi nhất.

Tuy nhiên, hậu ly hôn, nếu con cái hoặc một bên vợ/chồng bị đe dọa hay thấy không được an toàn với người còn lại, con cái và vợ/chồng đều có thể gọi điện cho cảnh sát xin can thiệp. Nếu cha/mẹ cảm thấy con cái có nguy cơ bị gây tổn thương về thể chất hoặc tinh thần qua việc dành thời gian với người cha/mẹ kia, thì luôn có thể tìm tới sự giúp đỡ của pháp luật. Việc bị gây tổn thương về tinh thần có thể bao gồm cả việc các con thường xuyên buồn bã hoặc trở nên thu mình. Sự an toàn cả về thể chất và tinh thần của đứa con và những bên liên quan trong việc ly hôn (ở đây là mỗi cá nhân liên quan đến việc ly hôn) đều được pháp luật bảo vệ". 

Là phụ huynh có 2 con đang tuổi đi học, thạc sĩ Hà Trang chia sẻ thêm về môn học Đạo đức ở Australia. Theo cô, khác với ở Việt Nam, trong trường học Australia không có môn Đạo đức, người Australia cũng rất ít khi dùng những từ như "đạo đức", "nhân cách",…  Tuy nhiên, không dùng không có nghĩa là không có. Người Australia coi những thứ thuộc về nhân cách là những thứ giản đơn, cơ bản cần có. Điều đó hình thành từ ứng xử giữa bố mẹ - bố mẹ, giữa bố mẹ - con cái, giữa thầy cô giáo – học trò, thầy cô giáo – phụ huynh, giữa người với người ngoài xã hội. 

Câu chuyện hậu ly hôn và "môn học" Đạo đức qua lời kể của Thạc sĩ Việt ở Australia - Ảnh 2.

Trong trường học Australia không có môn Đạo đức. Ảnh: NVCC

Tất cả những ứng xử đó thể hiện từ những cái nhỏ nhất như lời nói, ngữ điệu khi nói, thái độ khi nói,… Vì cả xã hội phần lớn là như vậy, nên từ khi sinh ra, khi bước vào trường học, khi ở ngoài xã hội trẻ nhỏ đều vô hình học được về lòng tốt, sự tử tế, sự tôn trọng, lòng trắc ẩn, sự mở lòng đón nhận mọi người với những góc đẹp nhất của họ,…

Hình ảnh quen thuộc mà chúng ta dễ dàng bắt gặp ở phương Tây hay cụ thể ở Australia là sự nhẫn nại, nhẹ nhàng, tôn trọng và có giới hạn của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Người lớn ở đây bao gồm: ông bà, bố mẹ, thầy cô,… Họ luôn có thể dành nhiều thời gian để phân tích, giảng giải cho con cái và học trò tại sao cần làm thế này mà không phải là thế kia. Sự nhẫn nại và nhẹ nhàng đó trở thành thứ văn hóa thường gặp. 

"Trẻ nhỏ sinh ra và lớn lên trong một bầu khí quyển như vậy cho nên đã xác định được mình đến trường cần dùng tông giọng ra sao, dùng từ ngữ lịch sự thế nào, trong một mối quan hệ ngoài sự tôn trọng, gần gũi, còn là xác định giới hạn, khi nào nên nói gì và làm gì. Thân thiết không có nghĩa là được vượt qua giới hạn cá nhân. Tôn trọng không có nghĩa là thờ ơ, lãnh đạm. Trẻ được học về con người và quyền con người từ nhỏ thông qua ứng xử của gia đình và thầy cô. Con cái hoàn toàn có quyền được mời luật pháp can thiệp nếu bị chính cha mẹ đẻ của mình bạo hành tinh thần và thể xác.

Văn hóa giáo dục nền tảng từ gia đình và toàn xã hội, cùng với một luật pháp luôn chú ý đến bảo vệ quyền con người chính là bài học đạo đức mà bọn trẻ được "hít thở" ngay từ khi chào đời. Giáo dục đạo đức không giới hạn chỉ là những tiết học trên lớp", thạc sĩ Hà Trang bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem