Câu chuyện một người Việt thoát chết trong thảm họa giẫm đạp ở Itaewon: Như bị con voi 5 tấn đè lên ngực

Phạm Minh Trung - từ Seoul Chủ nhật, ngày 30/10/2022 13:03 PM (GMT+7)
Đêm qua bị ép trong đám đông đi chơi Halloween ở khu phố Itaewon, Seoul, có lúc Phạm Minh Trung nghĩ rằng mình có thể chết được. Cả người anh bị kẹt cứng, chân tay tê dại, có lúc cảm giác tim phổi nhảy ra ngoài, chỉ có cái đầu có thể nhúc nhắc mà thở. Dường như anh bị một con voi 5 tấn đè lên ngực.
Bình luận 0

Phạm Minh Trung là kỹ sư IT. Anh đã sống ở Seoul 4 năm và khu phố Itaewon cũng là nơi anh thường lui đến. Đó là trung tâm cuộc sống về đêm của Seoul với nhiều quán bar, nơi nhiều bạn trẻ, nhiều người nước ngoài lui tới, mà Trung so sánh giống như đường Bùi Viện trong TPHCM.

"Lần đầu tiên trong đời phải hét lên Cứu tôi với, gọi cảnh sát đi", "Từ cõi chết trở về" - đó là cảm xúc của Trung sau khi trở về được từ thảm họa giẫm đạp trong đêm lễ hội Halloween 29/10 ở khu phố Itaewon.  

Đoạn dốc chỉ dài 15-20m mà mấy trăm người lèn vào đó chen chúc nhau, bên dưới không đi lên được, bên trên không xuống nổi, 2 bên cứ đẩy và Trung kẹt ở khúc giữa. "Nhiều lần tôi thấy Itaewon đông đúc, nhưng vẫn còn thông thoáng, chưa bao giờ chật cứng người như tối qua. Có lẽ phần nào giống như Bờ Hồ ở Hà Nội mỗi lần bắn pháo hoa" - Phạm Minh Trung chia sẻ với Dân Việt qua điện thoại.

Câu chuyện một người Việt thoát chết trong thảm họa giẫm đạp ở Itaewon: Như bị con voi 5 tấn đè lên ngực - Ảnh 1.

Quãng đường xảy ra thương vong ở Itaewon rất ngắn, chừng 20m, nhưng hàng trăm người đã lèn cứng - Phạm Minh Trung giải thích.

Tối cuối tuần ngồi nhà buồn chán, lướt Facebook thấy trang Thông tin Hàn Quốc đăng mấy bức ảnh hoá trang Halloween ở Itaewon, Trung vác balo lên đường và đi ngắm phố. Câu chuyện thoát chết ở Itaewon được anh kể trên FB như sau:

"Xuống tàu di chuyển đi vào khu phố thấy cũng khá đông nhưng vẫn di chuyển được chầm chậm. Lần đầu tiên đi nhà vệ sinh dưới ga tàu xếp hàng dài. Đi vào khu phố đang hào hứng vui vẻ ngắm mọi người hoá trang được khoảng 15 phút thì mình di chuyển đến một ngã 3. Bỗng chợt từ đâu 1 làn sóng từ phía trước đẩy mạnh đẩy mình bay vào cái biển hiệu đặt trước quán cafe. Lúc đầu nghĩ chắc do người phía trong muốn đi ra nên đẩy để ra, 1lúc sau thấy dòng đẩy càng mạnh, áp chặt mình vào góc bảng hiệu, lưng đau điếng mà vẫn ghì người đẩy để leo ra. Đành nghĩ không đi xem nổi nữa thì thôi chui vào cái lối nhỏ này để đi ra đường lớn chứ không thể đi tiếp nữa rồi.

Đi theo dòng chảy người trôi dạt đến đầu ngõ phố (ngõ này là ngõ dốc đi xuống) thì bất ngờ dòng người ở đâu đẩy đến càng mạnh. Lúc đầu cảm giác vẫn đứng được, nhưng 1- 2 phút sau dòng người càng đẩy vào mạnh hơn đến nổi khó thở. Mình đang đi sát phía trong nên sau đó có leo được lên cái bục vỉa hè. Nhưng dòng người càng lúc càng đẩy mạnh hơn, người càng ép chặt hơn được khoảng 15 phút thì ko thể cử động nổi chân tay nữa. Bắt đầu cảm thấy ngộp thở.

Câu chuyện một người Việt thoát chết trong thảm họa giẫm đạp ở Itaewon: Như bị con voi 5 tấn đè lên ngực - Ảnh 2.

Những người dự lễ hội rời đi khỏi phố Itaewon sau khi xảy ra thảm họa. Ảnh: Reuters.

Dòng người thì càng lúc càng ép chặt. Bắt đầu có những tiếng gào khóc và tiếng hét. Người bị ép lao về phía trước góc 50 độ, người trước áp sát người sau. Chỉ cần đằng trước có lối để thoát ra là dòng người có thể đổ  sóng oài phía trước, người sau sẵn sàng dẫm lên người trước. Mình lúc này đã bắt đầu không thở nổi nữa, tay không thể cử động, nhưng đằng sau họ vẫn ép không tha. Lần đầu tiên mình hét vì tức ngực. Xung quanh tiếng mọi người la hét "Cứu tôi với", "Gọi cảnh sát đi", "Có người chết rồi", "Lũ chết tiệt", "Cảnh sát đâu hết rồi", "Tôi xin mọi người đừng đẩy nữa", "Bên dưới đừng đi lên nữa"… Nhưng tất cả đều hét trong vô vọng vì những người ở xa  đang đẩy thì không thể nghe thấy tiếng hét ở khu vực này do quá ồn.

Lúc này thực sự thấy từ bé đến giờ đây là lần đầu tiên cảm thấy cái chết cận kề. Một người luôn luôn coi thường nguy hiểm chỗ đông người, luôn chen chúc đi xem pháo hoa hay tìm chỗ đông vui nhưng hôm nay cảm giác mình đang sống trong một bộ phim kinh dị thật sự. Lúc này chỉ nghĩ mình sẵn sàng cho ai đó thật nhiều tiền chỉ để có thể khoát khỏi cái chỗ này. Cảm giác như bị con voi 5 tấn đè lên ngực. Xung quanh chỉ toàn tiếng la hét "Có nhiều người chết làm ơn gọi cảnh sát đi".

(Phạm Minh Trung kể)

Mọi người chờ đợi cảnh sát trong vô vọng. Tất cả chỉ biết la hét và cầu nguyện. Có 2 ông tây và một bạn nam Hàn quốc áp sát người mình cũng không ngừng la hét. Xung quanh nhiều người đang khóc, các bạn nữ ở giữa do bị ép và không đủ không khí để thở thi nhau ngất. Thật sự nhìn khung cảnh đó không ai là không thể không khóc

May thay sau khoảng 30-40 phút thì bóng dáng cảnh sát đã xuất hiện, chắc ai đó đã gọi báo cảnh sát. Khoảng 20 cảnh sát chén lấn tìm cách giải quyết, mọi người leo được lên mái nhà thì hô to mọi người hãy giữ bình tĩnh ngừng la hét vì cảnh sát đến rồi. Một số anh Tây đen bắt đầu phá cửa một quán cafe bên cạnh cùng cảnh sát lôi một số bạn bị ngất vào, nhưng do dòng người ép chặt nên không thể kéo người ra được. Cầu nguyện…

Câu chuyện một người Việt thoát chết trong thảm họa giẫm đạp ở Itaewon: Như bị con voi 5 tấn đè lên ngực - Ảnh 3.

Cảnh sát và nhân viên cứu hộ ở hiện trường. Ảnh: Reuters.

Câu chuyện một người Việt thoát chết trong thảm họa giẫm đạp ở Itaewon: Như bị con voi 5 tấn đè lên ngực - Ảnh 4.

Nhân viên cứu hộ chờ để đưa các thi thể ra khỏi khu vực thảm họa. Ảnh: Reuters.

10 phút sau phía sau bắt đầu thấy đám đông bắt đầu giãn cách, có khoảng 10 người cảnh sát đang phải kéo từng người ra khỏi đám đông từ phía sau do phía trước mọi người đã đổ chồng lên nhau nên không thể kéo người ra được. Mọi người không thể tự đứng được vì tất cả đang bị ép  đổ về phía trước 40 - 50 độ, cảnh sát phải kéo từng người ra một. Các bạn bị ngất thì được kéo ra một chỗ để sơ cứu. Đến đây thì đã cảm thấy may mắn vì sống sót rồi. Trong đầu lúc này chỉ nghĩ thoát ra khỏi đây càng nhanh càng tốt. Lúc đi ra thấy dòng người vẫn tiếp tục đi vàoc, chắc mọi người vẫn chưa biết.

"HY VỌNG CẦU CHO KHÔNG CÓ AI BỊ CHẾT. Lúc mình thoát ra thì có nhiều người ngất đang được cảnh sát sơ cứu. Đây là bài học cho mình và cho tất cả mọi người. Người không biết ko có tội nên đừng ai chửi rủa người ta ham vui rúc đầu vào đó. Nếu biết trước thì ko ai rúc vào rồi".

(Phạm Minh Trung)

Chỉ thấy mọi người đi sau vừa đi vừa khóc vừa nói mọi người ơi đừng đi vào nữa, có người chết rồi, tôi cũng suýt chết đấy. Dòng người nghe xong vẫn thấy hoang mang, người quay vào người trở ra, người mặt thẫn thờ đứng im như ko hiểu gì…

Khu phố vẫn đông nghẹt! Ga tàu 11h đêm vẫn chật cứng".

Phạm Minh Trung chia sẻ thêm với Dân Việt, lúc thấy cảnh sát anh mới nghĩ mình có thể sống. Khi đám đông được kéo ra, Trung nhìn thấy nhiều người nằm la liệt xung quanh, hầu hết là các bạn gái trẻ, cảnh sát và nhân viên cứu hộ đang khẩn cấp sơ cứu họ. Lúc đó anh chưa thấy hoảng vì chỉ cho là họ bị ngất. Về được nhà, một lúc sau đọc tin, xem ảnh và video, nghe tin số người chết cứ tăng dần, nước mắt Trung cứ tự rơi.

Anh không thể quên hình ảnh xung quanh: "Nhiều bạn nữ thấp nhỏ bị cả đám đông lèn kẹt cứng, giờ nghĩ lại tôi có thể hình dung họ cảm thấy cực hình như thế nào. Các bạn gặp nạn là các bạn nữ, họ không thở được. Tôi cao 1m8 nên may mắn thò được đầu lên mà thở".

"Cả đêm tôi trằn trọc đến 4h sáng mới chợp mắt, 6-7h sáng lại trở dậy, nghĩ đến các nạn nhân mà tôi vẫn khóc. May mắn tôi nấp sau được một cái bục nên được che chắn, không thì tôi cũng có thể đã cùng chung số phận. Phải ở đó mới hiểu cái chết đã gần thế nào".

40 phút ấy, Trung nói, với anh như cả một thế kỷ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem