Cầu kỳ làm bánh tráng bán sang 35 nước

Anh Tuấn Thứ sáu, ngày 27/07/2018 06:25 AM (GMT+7)
Cùng làm bánh tráng, nhưng với Lê Duy Toàn - một chàng trai thế hệ 8x ở Củ Chi, TP.HCM - quan niệm sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn thì mới có thể vươn xa được.
Bình luận 0

Phải tạo sự khác biệt

Ở TP.HCM có thương hiệu bánh tráng Phú Hoà Đông (Củ Chi) nổi tiếng. Nhưng, dù là nghề truyền thống, cưu mang hàng ngàn hộ dân, nghề bánh tráng nơi đây lại đang gặp nhiều khó khăn. Hỏi lý do, Lê Duy Toàn liệt kê: Nào là thị trường tiêu thụ hạn hẹp, nguyên liệu biến động, lời thấp nên nhiều hộ bỏ nghề. Nhưng sâu xa, theo Toàn, đó là nghề sản xuất bánh ở Phú Hoà Đông vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, làm thủ công, chi phí cao nhưng chất lượng thấp và chưa theo tiêu chuẩn nào. Trong khi đó, cũng tại thị trường trong nước, Toàn khảo sát bánh tráng từ Thái Lan, Trung Quốc vẫn sống rất khoẻ, đang lấn át bánh tráng truyền thống của gia đình Toàn và các hộ dân khác.

img

 Sản phẩm bánh tráng của Duy Anh đã lấy được tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, cũng như chuẩn Kosher của cộng đồng người Do Thái. Ảnh: A.T

“Tại sao người Thái, người Tàu vẫn sống khoẻ với nghề bánh tráng” - Toàn tự nhủ rồi bắt đầu hành trình với sản phẩm bánh tráng đạt chuẩn quốc tế sau nhiều năm trau dồi kiến thức ngành quản trị kinh doanh ở một trường đại học tại TP.HCM và ba năm rưỡi du học ở Mỹ về.

“Nghề làm bánh tráng ở Củ Chi nói riêng và các tỉnh nói chung, muốn có chỗ đứng trên thị trường thì ngoài những đặc tính, giá trị vốn có, điều cần thiết nhất là phải thay đổi, tạo được sự khác biệt” - Toàn bảo. Khác biệt bắt đầu từ thay đổi quy trình sản xuất thủ công, manh mún lên quy mô công nghiệp; đưa dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động để giảm nhân công, giảm chi phí; áp dụng quản lý quy trình chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra và lấy bằng được các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Với Toàn, đó là giấy thông hành đưa sản phẩm ra thế giới.

Nghĩ là làm, Toàn thuyết phục gia đình bỏ đi “những thứ truyền thống” không cần thiết để đầu tư 20 tỷ đồng mở nhà xưởng hơn 1.000m2. Toàn đặt mua các máy móc, thiết bị chuyên dụng từ Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Nguyên tắc đầu tư được chàng trai 8X đặt ra là sản xuất bánh tráng phải tự động hoá, khép kín để đạt được hai mục tiêu: Sản lượng tăng lên và sản phẩm đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Làm bánh tráng truyền thống lấy kinh nghiệm làm thước đo chất lượng, nhưng với sức trẻ và am hiểu nhu cầu thị trường, không cho phép Toàn sử dụng nguyên liệu thông thường như trước. Toàn tìm mối liên kết các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, khoai mì uy tín ở Nam Bộ, đích thân đi chọn nguyên liệu đầu vào theo tiêu chí đảm bảo phải sạch, an toàn, có tiêu chuẩn rõ ràng. Toàn yêu cầu đầu mối cung cấp phải thường xuyên gửi phiếu xét nghiệm sản phẩm để kiểm tra.

Cần “làm mới” thị trường

Sau 7 năm thành lập Công ty Duy Anh, trên cương vị giám đốc, Toàn lèo lái công ty từ một cơ sở sản xuất bánh tráng gia đình thành doanh nghiệp có uy tín, không chỉ tại thị trường nội địa mà cả cho xuất khẩu. Chúng tôi có dịp thăm doanh nghiệp của Toàn vào một ngày cuối tháng 6.2018, nhìn Toàn đăm chiêu với những đơn hàng trên chiếc máy tính để bàn, không nghĩ chàng trai 8X với dáng thư sinh, mảnh khảnh lại có thể thành công đến như vậy.

Điều thành công nhất mà Toàn đạt được đó là sản phẩm bánh tráng của Duy Anh đã lấy được tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), cũng như chuẩn Kosher của cộng đồng người Do Thái. Thời gian tới, Toàn tâm sự, sẽ tiếp tục xây dựng và hướng đến lấy tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm - BRC của Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng. Từ các tiểu chuẩn có được, hiện mỗi tháng, Duy Anh sản xuất gần 1.000 tấn sản phẩm các loại, xuất khẩu 80% sản lượng đi 35 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các quốc gia Âu châu. Thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng 15%.

Để “làm mới thị trường”  Toàn đã nghiên cứu thêm loại bánh tráng thực dưỡng độc đáo từ rau, củ, quả và các loại thảo dược. Hiện Toàn mới tập trung sản xuất theo đơn đặt hàng cho đối tác nước ngoài các sản phẩm như: Bánh đa cua; bún, mì từ đậu biếc, trà xanh, chùm ngây, lá dứa; phở gạo đen hữu cơ, củ dền, nghệ, hạt điều, gạo lứt...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem