Cầu Long Biên thành bảo tàng: Nhiều nghi ngại

Thứ sáu, ngày 22/07/2011 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước ý tưởng táo bạo đề xuất cải tạo cầu Long Biên thành một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời, nhiều người vui mừng, nhưng cũng có nhiều người băn khoăn, nghi ngại...
Bình luận 0

Dự án Cải tạo cầu Long Biên được kiến trúc sư Nguyễn Nga trình bày tại buổi toạ đàm do Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam tổ chức mới đây.

Băn khoăn “đầu tiên”

Theo dự án, cây cầu trên 100 tuổi gắn liền với lịch sử của thủ đô sẽ trở thành một bảo tàng nghệ thuật đương đại ngoài trời với 3 công trình phụ trợ mới. Đó là “Công viên nghệ thuật” ở bãi giữa sông Hồng, Tháp Sen - Bảo tàng nghệ thuật đương đại ở bờ phải sông Hồng và Bảo tàng cổ vật cải tạo từ tháp nước Hàng Đậu.

img
Cuộc sống, giao thông của người dân Hà Nội liệu có bị ảnh hưởng khi cầu Long Biên trở thành bảo tàng?

Cây cầu sẽ được nâng cao thêm 3m để tàu thuyền đi lại dễ dàng, phía trên cầu được gắn kính trong suốt và trưng bày đầu máy hơi nước để khách tham quan, các toa tàu cổ trở thành quán café, nhà hàng. Dự án này sẽ được tiến hành trong vòng 10 năm với tổng dự toán là 4.680 tỷ đồng.

Khi được hỏi về số tiền dự kiến sẽ chi phí cho “giấc mơ” này, kiến trúc sư Nguyễn Nga tỏ vẻ rất tự tin: “Theo thông tin tôi có được, Chính phủ Pháp d­­ự định 80 triệu euro tài trợ cho việc cải tạo cầu Long Biên nếu phía VN chúng ta đưa ra được một phương án cải tạo hợp lý, giữ lại được cây cầu như là một bằng chứng cho mối quan hệ Pháp- Việt. Nếu dự án của tôi được Nhà nước thông qua để Chính phủ Pháp tài trợ thì chúng ta đã có khoảng gần 50% kinh phí rồi, phần còn lại tôi nghĩ nếu làm xã hội hoá tốt mọi chuyện sẽ không quá khó khăn”.

Trước thông tin về số tiền khá lớn cho dự án, nhiều người dân Hà Nội không giấu được sự hoài nghi. Ông Lê Thanh Long ở số nhà 298 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Nếu nói chi bằng ấy tiền để biến cầu Long Biên trở thành một bảo tàng ngoài trời thì tôi thấy lãng phí quá. Dù là tiền xã hội hoá hay kinh phí Nhà nước thì cũng nên tập trung vào những công trình dân sinh, sao cho hết tắc đường, dân không phải nằm chung mấy người một giường bệnh...”.

Bạn Đỗ Nhật Thành- sinh viên Trường ĐH Hà Nội nhận xét: “Tôi thích Hà Nội trùng tu cầu Long Biên theo cách làm thế nào để giữ nguyên hình dáng hiện nay chứ phủ kính lên nó rồi biến thành quán cà phê, nhà hàng xanh đỏ thì rất đáng lo ngại”.

Nghi ngại về dân sinh

Ông Hoàng Đạo Kính- Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN cho biết ông hoàn toàn ủng hộ ý tưởng cải tạo cầu Long Biên: “Nếu coi cầu Long Biên là một di tích thì phải giữ nguyên vẹn như cách chúng ta đã làm với Văn Miếu, còn nếu coi nó là một di sản thì phải trùng tu, cải tạo và tận sử dụng nó để góp phần tạo dựng diện mạo đô thị cho Hà Nội. Theo tôi, nên tận dụng cầu Long Biên và công nhận nó là một di sản văn hoá đô thị”.

Cải tạo cầu Long Biên thành một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời là một giấc mơ đẹp của tác giả ý tưởng nhưng từ mơ tới thực vẫn là còn là một chặng đường khá dài với rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết liên quan đến thực tế cuộc sống của người dân.

Ông Kính cũng cho hay: “Ý tưởng phủ kính lên phía trên cầu cũng thấy có ý kiến cho là không nên nhưng theo tôi đây chỉ là ý định ban đầu của dự án, để thực hiện nó, chị Nga còn phải tiến hành rất nhiều khâu thiết kế quy hoạch chi tiết nữa trước khi dự án được thông qua”.

Về dự án này, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thẳng thắn: “Cải tạo cầu Long Biên là một ý tưởng hay nhưng tôi vẫn hơi nghi ngại về vấn đề dân sinh, nếu loại hẳn cầu Long Biên ra khỏi trục giao thông trong khi cầu Chương Dương cạnh đó đã quá chật chội, phải giải quyết giao thông cho khu vực này thế nào? Rồi những người dân đang sống bằng việc canh tác ở bãi giữa sông Hồng sẽ như thế nào nếu lấy đi nghề mưu sinh của họ? Dự án này phải giải quyết được những vấn đề đó thì mới nên làm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem