Khi đàm phán gia hạn hợp đồng, thậm chí là hợp đồng cống hiến trọn đời với ĐT.LA, Việt Thắng đã ra giá 3,6 tỷ cho 3 năm hợp đồng, cùng với đó là điều khoản cống hiến thêm 2 năm nữa. Nhưng, người của “Gạch” đã lắc đầu. Họ cho rằng, cái giá đó là quá cao vào thời điểm năm 2009, hơn nữa trước đó, chưa có tiền lệ những bản hợp đồng tiền tỷ với nội binh ở Bến Lức.
|
Bản hợp đồng của Việt Thắng (phải) với V.NB được ký với giá 8 tỷ đồng, không thông qua môi giới. |
Không đạt được thỏa thuận gia hạn với đội bóng cũ, Việt Thắng được HN T&T đánh tiếng, với giá khởi điểm là 6 tỷ đồng/3 năm. Thắng đã gật đầu và thậm chí đã nhận tiền cọc, cho đến khi V.NB vào cuộc. Dùng dằng suốt đôi ba tháng, cuối cùng bản hợp đồng của Việt Thắng với V.NB được ký với giá 8 tỷ đồng, không thông qua môi giới. Đến bây giờ, không ai muốn nhắc lại những chuyện “zích-zắc” nữa.
Nó cũng giống như tình huống của Tài Em sau này. Trong buổi ăn tối và nói chuyện thân mật với bầu Thắng, Tài Em muốn có 5 tỷ đồng cho những năm cống hiến cuối sự nghiệp với ĐT.LA, nhưng “Gạch” không sẵn sàng. Và thế, “biểu tượng” của bóng đá Long An đã ra đi theo tiếng gọi của danh vọng, tiền tài, như một quy luật bất biến của bóng đá chuyên nghiệp. Giá của Tài Em khi cập bến Navibank.SG là 7 tỷ đồng.
Tất nhiên, cái giá của Việt Thắng, Tài Em hay bất cứ một cầu thủ có thương hiệu nào khác, khi chuyển đến đội bóng mới, đều cao hơn nhiều so với mức khởi điểm. Quang Hải từ 6 tỷ đồng/3 năm hợp đồng ban đầu, sau đó là 9 tỷ; con số không chính thức với trung vệ Phước Tứ là 12 tỷ đồng/3 năm; trước khi về V.NB, Như Thành cũng đã nhận cả chục tỷ
Trở lại với chuyện của Quang Hải. Theo đề nghị ban đầu, Hải muốn có 6 tỷ đồng/3 năm để ở lại đội bóng quê hương (cùng với các điều khoản gia hạn – cống hiến trọn đời), nhưng K.KH cứ khất lần. Vào thời điểm đó, XM.HP sẵn sàng trả 6 tỷ đồng cho chỉ 2 năm, cùng mức lương khởi điểm là 60 triệu đồng/tháng; HA.GL là 7 tỷ đồng, còn HP.HN là 9 tỷ đồng. Nhưng Quang Hải đã thuận theo phương án Navibank.SG.
Việc giá cầu thủ được đội lên cao hơn nhiều so với năng lực cống hiến, cũng như giá sàn của thị trường, phải khẳng định, đó là cuộc chơi riêng của các ông chủ. Leandro sau khi bị XM.HP từ chối đề nghị gia hạn, đã về với B.BD, bởi chỉ có đội bóng đất Thủ mới thỏa mãn những nhu cầu tài chính của “hoàng đế” người Brazil. Tình huống tương tự với Kesley Huỳnh Alves hay Almeida (chuyển từ SHB.ĐN về Navibank.SG)…
Các nhà tài phiệt bóng đá, thông qua chủ tịch CLB, GĐĐH, trưởng đoàn hay HLV, sẵn sàng chấp thuận cái giá trên trời, chỉ để mua được ít niềm vui. Bề ngoài, các ông chủ đội bóng vẫn giữ mối quan hệ khá mật thiết với nhau, nhưng đằng sau đó là những cuộc chiến TIỀN. HN T&T đồng ý để Tập đoàn Xuân Thành lấy Phước Tứ, sau khi nghe những trình bày của trung vệ người Quảng Nam.
Trước đó, có thông tin, Phước Tứ đã nhận lương và tiền cọc hợp đồng của đại diện Thủ đô, ngay cả khi còn khoác áo LS Thanh Hóa. Cho đến khi Tứ ngỏ ý muốn quay lại, đã không còn kịp nữa, bởi HN T&T không sẵn số tiền lớn như vậy để chuộc hợp đồng.
Theo Thể thao văn hóa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.