Cây gáo vàng là cây gì mà có thể dầm mình dưới nước, dân Bình Phước trồng bán gỗ mà có thể giàu lên?

Thứ năm, ngày 10/11/2022 05:04 AM (GMT+7)
Gáo vàng được biết đến là cây trồng cho giá trị kinh tế cao và rất phù hợp với vùng bán ngập. Thời gian qua, việc người dân trồng thử nghiệm và định hướng của ngành chức năng trong xây dựng vùng trồng cho thấy đây là hướng đi mới ở Bình Phước.
Bình luận 0
 Cây gáo vàng giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh đất bán ngập, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ quá trình phát triển kinh tế một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Sinh sống lâu năm ở khu vực lòng hồ thủy điện Thác Mơ thuộc thôn 10, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, trước đây, bà Đặng Thị Ánh thường trồng khoai mỳ, hoa màu trên 1 ha đất bán ngập để cải thiện thu nhập. 

Năng suất, sản lượng bấp bênh, hiệu quả kinh tế không cao nên khi trồng thử nghiệm 1.000 cây gáo vàng cho thấy hiệu quả khả quan, bà quyết định mở rộng diện tích với kỳ vọng có nguồn thu nhập tốt, ổn định hơn. 

Bà Ánh cho biết: “Nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông, trồng nhiều thì càng có lợi vì đất ở đây còn rất nhiều và khi có số lượng lớn sẽ dễ cho bên thu mua. Hơn nữa, trồng cây này hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên cây phát triển nhanh”.

Từ ý định ban đầu trồng tự phát với số lượng ít để giữ đất, chống xói mòn, tuy nhiên cây sinh trưởng, phát triển tốt cũng như hiệu quả kinh tế được xác thực ở nhiều vùng bán ngập đã giúp các hộ dân mạnh dạn đầu tư, hướng tới hình thành vùng trồng cây gáo vàng tại địa phương. Đến nay, trên địa bàn có khoảng gần 10.000 cây.

Cây gáo vàng là cây gì mà có thể dầm mình dưới nước, dân Bình Phước trồng bán gỗ mà có thể giàu lên? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Trang, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Thành Phát, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) giới thiệu về mô hình trồng cây gáo vàng - Ảnh: Trung Quang


Ông Nguyễn Minh Trang, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Thành Phát, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng cho biết: Hiện mới có một số hộ trồng cây gáo vàng nhưng cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nếu được Nhà nước hỗ trợ, người dân sẽ đồng thuận, triển khai đồng bộ và hy vọng dự án sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, đặc biệt là bảo vệ tài nguyên môi trường, chống xói mòn đất cho vùng bán ngập nơi đây.

Xã Bom Bo hiện có khoảng 500 ha đất bán ngập thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Dư địa đất bán ngập còn nhiều nhưng vẫn chưa được khai thác, tận dụng triệt để. Mới đây, địa phương đã được ngành chức năng phê duyệt đề án trồng cây gáo vàng với diện tích 250 ha, hướng tới xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn cũng như tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế bền vững. 

Gáo vàng là loại cây thân gỗ được trồng nhiều ở vùng bán ngập, 1m3 gỗ trên thị trường hiện nay có giá khoảng 8 triệu đồng và cây cho gỗ thương phẩm sau 8 năm trồng. 

Việc triển khai trồng cây gáo vàng trên diện rộng, quy mô lớn ở vùng bán ngập khu vực lòng hồ thủy điện được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới, giúp người dân nâng cao thu nhập và cụ thể hóa chủ trương trồng rừng, phủ xanh đất trống. 

Qua mô hình trồng cây gáo vàng, giúp phát huy lợi thế vùng đất bán ngập hiện vẫn còn rất lớn trên địa bàn như hiện nay.

Địa phương đã đề xuất trồng cây gáo vàng với quy mô lớn trên vùng đất bán ngập vì dư địa còn nhiều. Qua tìm hiểu, nhân dân đồng thuận rất cao và mong muốn dự án triển khai trong thời gian sớm nhất. Cây gáo vàng phát triển trên diện rộng sẽ giúp khơi dậy lợi thế vùng bán ngập, mang lại lợi ích kinh tế cao cho bà con nói riêng và địa phương nói chung.

Ông Hoàng Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Trần Cảnh (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem