“Cây gậy” giữ rừng ở vùng cao

Kiều Thiện Thứ tư, ngày 02/12/2015 10:53 AM (GMT+7)
“Bởi quy ước, hương ước bản, tiểu khu được thảo luận, xây dựng nên từ chính những người dân, từ thực tiễn của địa bàn nên hiệu quả tác động với người dân rất lớn, nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển vốn rừng” – ông Hoàng Mạnh Đao- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu (Sơn La) tâm sự.
Bình luận 0

Bảo vệ rừng - tiêu chí quan trọng của hương ước

Là người có hàng chục năm gắn bó với nghề bảo vệ phát triển vốn rừng ở huyện vùng cao Yên Châu của tỉnh Sơn La nên ông Hoàng Mạnh Đao thấu hiểu được cái khó khăn, thách thức mà công tác bảo vệ, phát triển vốn rừng đang phải đối mặt. Ông tâm sự: Thách thức lớn nhất chính là đời sống nghèo khó của người nông dân vùng cao. Nông dân không chỉ nghèo về đời sống vật chất mà còn hạn chế cả đời sống tinh thần.

Vì thế, nhiều khi họ vi phạm vào luật bảo vệ rừng một cách không chủ ý như: Bảo vệ lửa khi đốt nương, lửa trong sinh hoạt không tốt làm cháy rừng; Chặt hạ một cây gỗ nhưng làm gãy đổ nhiều cây khác do không biết cách khai thác; tận thu lâm sản quá mức gây ảnh hưởng tới chất lượng rừng khi lấy măng, lấy chuối, lấy nấm, lấy gốc cây…

“Vì thế, khi gần 190 bản, tiểu khu ở 15 xã, thị trấn trong huyện xây dựng quy ước, hương ước, trong đó tiêu chí bảo vệ rừng được coi trọng, tôi rất vui. Như thế là với đa số người dân, hiểu biết về vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ rừng đã thay đổi. Nhận thức thay đổi thì hành vi sẽ tích cực hơn” – ông Đao bảo vậy.

img

Rừng ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La đang được bảo vệ tốt.  Ảnh: K.T

Yên Châu là huyện nhiều khó khăn, có nhiều dân tộc anh em chung sống. “Khi xây dựng hương ước của bản, bên cạnh những tiêu chí về đoàn kết xóa đói, giảm nghèo, chống thất học, chống tảo hôn... chúng tôi luôn chú ý làm rõ trách nhiệm của bản, của hộ dân với rừng: Không chặt phá, khai thác lâm sản bừa bãi; không xâm lấn rừng để làm nương; quản lý tốt việc sử dụng lửa và sẵn sàng tham gia phòng, chống, chữa cháy rừng…” – ông Giàng A Tía, dân bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm (Yên Châu), bảo vậy.

Bám vào hương ước để giữ rừng

" Dân chúng tôi ít hiểu biết về pháp luật nên những quy định cụ thể trong quy ước là rất quan trọng. Ai làm việc gì, cứ đối chiếu với quy ước bản là biết mình sai hay đúng”.
Ông Giàng A Tủa

Rừng ở Yên Châu vốn là vùng rừng có nhiều lâm sản quý; trong đó đặc biệt có giống gỗ bách xanh rất có giá ngoài thị trường. Một trong những địa bàn có trữ lượng lâm sản cao của huyện Yên Châu chính là xã Mường Lựm. 100% số bản ở đây đều có quy ước bản với những điều khoản chặt chẽ về bảo vệ rừng.

“Ai làm việc gì, cứ đối chiếu với quy ước bản là biết mình sai hay đúng. Cuối quý, cuối năm, các đoàn thể, các tổ chức căn cứ vào việc thực hiện quy ước, hương ước mà biểu dương, khen thưởng hay phê bình, khen, chê…  Nhờ thế rừng của bản ngày một xanh hơn. Bây giờ chẳng ai tùy tiện phá rừng làm nương nữa” – ông Giàng A Tủa, dân bản Ôn Ốc, tâm sự vậy.

Đến với xã Phiêng Khoài – địa bàn vùng sâu mà kinh tế trang trại đang là mũi nhọn, thấy rừng vẫn được bảo vệ tốt. Anh Vì Văn Vầu - Bí thư chi bộ bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài, bảo: Từ ngày bản có quy ước hương ước rõ ràng, trách nhiệm của cán bộ bản, của dân bản với rừng cũng rõ ràng hơn nên không chỉ bảo vệ mà chúng tôi còn góp sức trồng rừng, tham gia bảo vệ những cánh rừng lân cận trong và ngoài xã, bản nữa đấy. Chúng tôi luôn được biểu dương về thành tích bảo vệ rừng và cũng hưởng lợi từ rừng nhờ khí hậu ôn hòa và tiền phí dịch vụ môi trường rừng hàng năm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem