Thất bại vì không coi khởi nghiệp là lẽ sống
Là thế hệ “vùng biên”, Bảo tiếp thu bốn nền giáo dục khác nhau: miền Nam trước 1975, Việt Nam thống nhất, Liên Xô cũ và Úc. Từ Liên Xô về, xin việc cơ quan nhà nước không được, anh dự tuyển ABB, một trong những tập đoàn năng lượng đầu tiên của Thuỵ Điển và Úc vào Việt Nam, và được chọn. Năm 2001, Bảo được học bổng của Chính phủ Úc học MBA tại đại học Công nghệ Sydney. Chính môi trường này đã giúp anh hình thành tư duy hệ thống.
Huấn luyện tư duy khó hơn nhiều, phải ở tâm thế mở hoàn toàn để chuẩn bị làm cái gì khác hẳn. Không thể giải quyết vấn đề hiện hữu bằng tư duy cũ.” – Lâm Bình Bảo, CEO Prominent Dosiertechnik Việt Nam, đồng sáng lập CEO Coaching.
Thời đó, làm công ty nước ngoài là niềm mơ của nhiều bạn trẻ, vươn lên vị trí giám đốc kỹ thuật ABB lương cũng tốt, nhưng Bảo vẫn máu me kinh doanh. Ban đầu anh mở cửa hàng bán gas, nhưng thất bại vì “chân trong chân ngoài”, không để tâm quản lý. “Sáng đi làm, tối về giao hàng cho khách, tới nơi họ nói sao anh giao gas này lịch sự quá! Thời đó khởi nghiệp cứ nghĩ đơn giản: bỏ tiền kinh doanh rồi thuê người khác làm, nếu thất bại cũng còn đường lùi. Đó là sai lầm lớn nhất. Thế là mất tiêu mấy chục cây vàng”.
Năm 2005, vợ chồng Bảo sinh con, thấy chương trình học cho trẻ con không có gì sáng tạo, thế là anh tự mày mò tìm phương án dạy cho con được chơi. Qua Singapore, cứ thứ bảy chủ nhật anh vào nhà sách lớn nhất như Kinokuniya tìm các loại sách về giáo dục giải trí cho trẻ em, vào cửa hàng Ikea bưng cả trăm ký đồ chơi con nít về, nghiên cứu để mở trung tâm giáo dục giải trí Funbrains Family Edutainment, cho trẻ được chơi những trò chơi sáng tạo. Nhưng đã sai lầm, vì con nít chỉ tới thứ bảy chủ nhật thôi. Những ngày khác các em phải học thêm đủ thứ, nào là học toán, anh văn, học đàn, học múa… sau đó mới được chơi! Rút kinh nghiệm lần trước, hai vợ chồng toàn tâm toàn ý với ngôi trường này, cực khổ từ sáng tới tối đến mức không còn thời gian chăm sóc con nữa. Nhưng do mô hình còn quá mới, do mình không hiểu được khách hàng, nên… thất bại. Vây là mất thêm khoảng 200 cây vàng nữa. Dù đã học MBA rồi, nhưng làm mới thấu hiểu vì sao mình thất bại. Bài học rút ra là không thấu hiểu khách hàng.
Bán hàng là giải quyết nỗi đau hay đem lại niềm vui cho khách hàng
Quen tiến sĩ, giáo sư người Đức, ông chủ của ProMinent Dosiertechnik toàn cầu, người chế tạo ra bơm định lượng trong ngành xử lý môi trường bán khắp thế giới, Bảo cảm thấy rất đồng cảm với ông về quan điểm kinh doanh. Ông rất thích Việt Nam, từng giới thiệu nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở Đức. “Năm 80 tuổi, ông nói muốn mở công ty tại Việt Nam, đó sẽ là đứa con cuối cùng của ông. Ông trao cho tôi phụ trách toàn bộ kinh doanh tại Việt Nam”, Bảo nói.
Đồ của Đức chất lượng tốt, giá cao, vì liên quan đến môi trường xử lý nước, xử lý nước thải, nhưng chi phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải rất cao, nên nhiều công ty đã bỏ hết chất thải ra sông, biển. Bảo cho biết: “Luật đã quy định với nhà máy cỡ bao nhiêu thì toàn bộ thông số chất thải của công ty lúc nào cũng phải đo lường và được hiển thị, kết nối với sở tài nguyên môi trường. Bây giờ, dù có ý thức hơn nhưng doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư hệ thống xử lý chất thải đàng hoàng, vì chi phí cao, lại có sự dễ dãi về quản lý nên rất khó kiểm soát. Chính vì vậy mà tôi rất tâm huyết khi bước vào ngành này”.
Khách hàng của Bảo hiện nay chủ yếu vẫn là các nhà thầu lớn, các nhà máy cấp nước lớn như Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… quan tâm nhiều về hiệu quả, đi đầu về công nghệ. Còn những nhà thầu nhỏ vẫn chạy theo giá thấp. Những năm gần đầy, doanh thu của ProMinent Dosiertechnik Việt Nam tăng trưởng đều 30 – 40%/năm. “Tuy nhiên tăng trưởng từ đầu năm nay hơi chựng lại, do nguồn vốn FDI và nguồn vốn tài trợ nước ngoài đều giảm, nên ảnh hưởng ít nhiều, buộc mình phải tìm cách nỗ lực hơn cho khách hàng. Làm việc với các công ty trong những ngành nhiều ô nhiễm nhất, thách thức lớn nhất là mình có mang lạigiá trị thực sự cho họ, xứng đáng để họ bỏ tiền đầu tư không?”, anh chia sẻ.
Hỏi anh vì sao một CEO làm thuê mà vẫn lặn lội kiếm từng đơn hàng như thế? Anh cười: “Quan hệ nhân quả, làm tốt sẽ được kết quả tốt. Muốn thành công, tiến bộ, phải làm hết sức mình. Dù làm ở đâu phải chứng tỏ hiệu quả, không ngừng gia tăng giá trị cho khách hàng, cho nhân viên, những người đồng vai sát cánh với mình. Chỉ khi nào tạo ra chuỗi giá trị gia tăng lớn mới thành công. Thế giới cạnh tranh bằng giá trị, bằng sáng tạo, trong khi Việt Nam vẫn lẹt đẹt cạnh tranh bằng sức lao động. CEO phải biết bán hàng, phải làm marketing để chuyển được giá trị đó tới khách hàng, họ thấu được thứ nhất là nhờ đã có nỗi đau, giống như Vedan. Giải quyết nỗi đau hay đem lại niềm vui cho khách hàng, khiến người ta tin mình, đó là nghệ thuật của từng người”.
Không thể giải quyết vấn đề hiện hữu bằng tư duy cũ
Cùng bạn bè tâm huyết thành lập CEO Coaching năm 2015, đến nay đã đào tạo hơn 400 CEO và nhà quản lý. Năm 2017, Lâm Bình Bảo còn đồng sáng lập CLB Quản trị va Khởi nghiệp với hơn 30.000 thành viên. Thường xuyên tổ chức các khoá huấn luyện, đào tạo, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm “Quản trị 5 trong 1”, CEO Coaching giúp cho những nhà quản lý có tư duy hệ thống, kiến thức vững chắc và công cụ thực hành, để ra hiệu quả tốt nhất.
Huấn luyện tư duy khó hơn nhiều, phải ở tâm thế mở hoàn toàn để chuẩn bị làm cái gì khác hẳn. Không thể giải quyết vấn đề hiện hữu bằng tư duy cũ.
|
Bảo chia sẻ: “Mục đích lớn nhất của tôi là muốn trở thành người điều hành giỏi, để giúp nâng cao doanh trí Việt Nam”. Từng du học ở nước ngoài, từng trải qua nhiều nền giáo dục, Bảo thấy người kinh doanh Việt Nam rất thiệt thòi vì không tiếp cận được tư duy kiến thức hệ thống. Việt Nam có rất nhiều doanh nhân thông minh, nhưng nếu có tư duy hệ thống thì tỷ lệ thành công sẽ lớn hơn nữa. CEO Coaching là đam mê thực sự của Bảo. “Tiếp xúc với một doanh nhân Đức có khách sạn nhỏ 5 sao hơn 150 năm, trải qua bốn thế hệ vẫn làm tốt nhờ môi trường kinh doanh tốt, kiến thức kinh doanh cha truyền con nối, biết quý trọng đồng tiền của cha ông làm ra, có niềm đam mê… Họ nuôi dưỡng tinh thần đó, kiến thức đó trong gia đình họ. Tôi không thể nuôi dưỡng tinh thần người khác, mà chỉ giúp mọi người nâng cao kiến thức nhờ may mắnva chạm nhiều. Quản trị là khoa học, mà khoa học thì thay đổi liên tục, theo nhu cầu phát triển. Tôi không là người thầy, mà chỉ là huấn luyện viên chia sẻ cho các cầu thủ cách tư duy, chứ không dạy kỹ thuật đá bóng. Huấn luyện tư duy khó hơn nhiều, phải ở tâm thế mở hoàn toàn để chuẩn bị làm cái gì khác hẳn. Không thể giải quyết vấn đề hiện hữu bằng tư duy cũ”.
Là tác giả của mục “Thư gửi MR. CEO”, “Thư gửi MR. Manager” trên các tờ báo kinh tế với cái nhìn thực tế, sắc sảo, Bảo còn viết nhiều về giá trị sống, về thiền. Anh đã từng qua tận Làng Mai ở Pháp để tham dự khoá thiền của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Anh thổ lộ: “Ai cũng từng đối diện với điểm rơi thấp nhất về quan hệ, gia đình, tiền bạc, sức khoẻ… cho mình một tín hiệu để sửa mình. Tôi cũng vậy, khi thất bại mới đặt câu hỏi tại sao. Bản tính tôi cực kỳ nóng nảy, sẽ khó thành công. Trước tiên do trao truyền từ gen cha mình, ông nội mình. Thứ hai là xã hội có khá nhiều điều không tốt, bởi mình được dạy dỗ trong môi trường hướng thiện nên hay bức xúc. Cuối cùng trao truyền từ nền giáo dục. Phải làm gì để thay đổi? Tôi đã tìm tới thiền. Thiền giúp mình nói chuyện với tâm thức của mình, để hiểu được mình. Khi hiểu mình tốt hơn, hiểu cái gì cũng có lý do của nó, muốn có quả tốt phải gieo nhân tốt. Tốt không chỉ cho mình mà còn cho người khác. Viết một câu chuyện tốt là gieo một hạt giống tốt cho người đọc, đó là một loại thức ăn. Tôi tin luật nhân quả tồn tại không phụ thuộc vào các loại tôn giáo. Cố sửa mình ngay bây giờ, sẽ cảm thấy vui ngay...”.
Kim Yến (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.