CEO Phạm Văn Tam tự “minh oan”: Chưa đủ cơ sở Asanzo "vô tội"?

Thanh Phong Thứ ba, ngày 17/09/2019 17:44 PM (GMT+7)
Sáng 17/9, tập đoàn Asanzo tổ chức họp báo với nội dung “Chúng tôi được minh oan” tại Hà Nội. Tại buổi họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi về việc Asanzo đã đủ cơ sở để chứng minh hoạt động không có sai phạm, tuy nhiên vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Bình luận 0

 CEO Phạm Văn Tam tự “minh oan” (Clip: Nguyễn Chương)

Tại buổi họp báo, đại diện tập đoàn Asanzo cho biết, nội dung chính nhằm thông tin đến các cơ quan báo chí, truyền thông, người tiêu dùng về kết luận của các cơ quan chức năng liên quan đến nghi vấn nhập hàng Trung Quốc ghi nhãn “Made in VietNam” được phản ánh thời gian qua.

Buổi họp báo bắt đầu từ 10 giờ sáng 17/09 và kết thúc lúc 11 giờ, trong đó, phần trình bày của ông Phạm Văn Tam cùng luật sư, cố vấn cho tập đoàn Asanzo chiếm một nửa thời gian. Các cơ quan báo chí có thể đặt mỗi người một câu hỏi trong 30 phút, với thời gian ít ỏi, nhiều vấn đề khúc mắc vẫn chưa được làm rõ.

Theo ông Trần Đức Hoàng, luật sư của tập đoàn, Asanzo có ba cáo buộc chính liên quan đến các vấn đề có làm giả xuất xứ, gian lận thương mại, lừa dối khách hàng hay không.

img

Vẫn chưa đủ cơ sở chứng minh Asanzo của ông Phạm Văn Tam không có vi phạm.

Nội dung được ông Phạm Văn Tam và các đồng sự đưa ra để “minh oan” cáo buộc gian lận xuất xứ, thương mại gồm văn bản của các đơn vị Tổng cục Hải quan, VCCI, Cục Kiểm tra sau thông quan.

Tại phần trao đổi thông tin với báo chí, phóng viên báo Tiền Phong đặt câu hỏi về việc các văn bản được đưa ra có đủ bằng chứng để khẳng định Asanzo được minh oan (một của Tổng cục Quản lý thị trường và một văn bản buổi làm việc với của tổ công tác VCCI). Bên cạnh đó, buổi họp báo không có sự chứng kiến của các cơ quan quản lý nào. 

Trả lời câu hỏi của PV báo Tiền Phong, ông Hoàng cho rằng, ngoài hai văn bản trên, hiện tại chưa có bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào kết luận ông Tam hay Asanzo có vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hóa như một số tờ báo đã quy kết?

Ngoài ra, ông Tam cho biết thêm: “Asanzo đã nhập cả nghìn tỷ đồng tiền linh kiện để lắp ráp tại Việt Nam như vậy sao phải làm giả xuất xứ. Tổng cục quản lý thị trường và VCCI đã kiểm tra và khẳng định chúng tôi không vi phạm quy định của luật pháp Việt Nam”, ông Tam nói. 

Sau khi ông Tam phát biểu thông tin đã nhập hàng nghìn tỉ đồng tiền linh kiện, PV báo Dân Việt đặt câu hỏi về việc Tổng cục Hải quan cho biết, từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, tổng kim ngạch nhập khẩu của Cty Asanzo là 171.636.719 đồng. 

Mặt hàng nhập khẩu gồm bảng mạch điện tử lắp ráp ti vi, cáp tín hiệu, lo go bằng kim loại,…Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc. Vì sao lại có sự khác biệt lớn như vậy?

Câu hỏi trên không được phía Asanzo trả lời cụ thể, ông Phạm Văn Tam chỉ nói chung về việc, hệ thống Asanzo tại Việt Nam chỉ phụ trách chính khâu lắp ráp, việc cung cấp linh kiện “giao phó” hoàn toàn cho các đơn vị khác.

“Ngay từ đầu chúng tôi xác định rằng đơn vị của mình là khâu lắp ráp cuối cùng nhận linh kiện từ các nhà cung cấp trong và ngoài nước. Chúng tôi muốn tạo hệ sinh thái cho các nhà cung cấp với hơn 100 đơn vị. Chúng tôi chủ yếu xây dựng thương hiệu, quản lý sản phẩm, chăm sóc khách hàng nên không thể nhập hết mà phải do các nhà cung cấp trong và ngoài nước hỗ trợ”, ông Tam nói.

Ngoài ra, các PV còn đặt thêm nhiều câu hỏi về các cty cung cấp như ông Tam nêu trên. Liệu có vấn đề khuất tất nào đằng sau khi các cty này được nhận định đã “bỏ trốn”?

Nói về nội dung trên, ông Hoàng cho biết, tập đoàn Asanzo không có mối quan hệ sở hữu với 14 công ty mà chỉ có hoạt động giao dịch. Các công ty này có tư cách pháp nhân riêng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như với Asanzo nếu hoạt động để ảnh hưởng tới tập đoàn.

“Chúng tôi khi nhận được thông báo về công ty chạy trốn, tôi cũng không hiểu vì sao Tổng cục Hải quan dùng từ như vậy. Nếu dùng từ chạy trốn vì công ty này thay đổi địa chỉ không làm thủ tục thông báo thì điều cần lưu tâm là các công ty này có vi phạm pháp luật hay không?

Văn bản của Tổng cục Hải quan không đưa ra nội dung gì về sai phạm của các công ty này? Chúng tôi khẳng định các công ty này tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước tập đoàn Asanzo nếu để ảnh hưởng”, ông Hoàng nói.

Kết thúc thời gian hỏi đáp, nhiều cánh tay từ phía phóng viên vẫn giơ lên, tuy nhiên không nhận được phản hồi từ Asanzo. Các vấn đề về xoay quanh tính pháp lý trong các văn bản mà tập đoàn Asanzo cung cấp vẫn bỏ ngỏ.

Trước đó, trao đổi với báo chí về việc Asanzo tổ chức họp báo khi kết luận này chưa được cơ quan chức năng chính thức công bố? Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 tỏ ra khá ngạc nhiên.

Ông Thế cho biết, việc tổ chức họp báo là việc của Asanzo và phải đúng quy định pháp luật. Còn việc điều tra của cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Khi nào có kết luận chính thức, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ công bố với báo chí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem